Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI) được tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố thường niên. Trong danh sách 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, thứ hạng càng cao đồng nghĩa rằng cộng đồng quốc tế xem quốc gia và vùng lãnh thổ đó có mức độ tham nhũng càng thấp.
Trong bảng xếp hạng năm 2018 vừa được Minh bạch Quốc tế công bố ngày 29/1, Trung Quốc lần đầu tiên trong nửa thập kỷ qua rơi 10 bậc trên bảng xếp hạng, xuống vị trí 87/180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI) của Trung Quốc năm 2018 giảm 10 bậc. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) cuối năm 2018 lại khẳng định nước này tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc chiến chống tham nhũng. Dù vậy, cơ quan này cảnh báo tình trạng tham nhũng vẫn còn nhiều thách thức và cuộc chiến cần được duy trì động lực.
CCDI cho biết trong năm 2018, Trung Quốc đã bắt giữ 23 "hổ", cách gọi những tham quan cấp cao trong chính quyền. Ở cấp lãnh đạo tỉnh và bộ, 32 quan chức bị truy tố trong năm 2018, tăng 14 người so với năm 2017. Hơn 1,3 triệu quan chức là đảng viên ở nhiều cấp bậc đã bị bắt giữ hoặc kỷ luật kể từ khi chiến dịch "đả hổ, đập ruồi" được phát động.
Eugene Tan, chuyên gia tại trường luật thuộc Đại học Quản trị Singapore, đánh giá việc Trung Quốc tụt hạng cho thấy tham nhũng vẫn là mối lo ngại phổ biến tại nước này, dù Chủ tịch Tập Cận Bình phát động cuộc chiến chống tham nhũng quy mô lớn suốt sáu năm qua.
"Siêu dự án 'Sáng kiến Vành đai và Con đường' có thể làm tăng thêm những cảm nhận tiêu cực rằng chiến dịch chống tham nhũng chỉ nhắm đến dư luận trong nước. Thứ hạng thấp của Trung Quốc chịu ảnh hưởng phần nhiều từ cách các nước nhìn nhận ý định thật sự của nước này, chủ yếu trong các hoạt động kinh tế của họ ở nước ngoài", chuyên gia Eugene Tan đánh giá.
Mỹ rơi khỏi top 20 trong bảng xếp hạng CPI do tác động của Tổng thống Trump đối với hệ thống cân bằng và kiểm soát của nước này. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, việc Mỹ rơi khỏi top 20 trong bảng xếp hạng CPI cho thấy hệ thống cân bằng và kiểm soát của nước này đang bị đe dọa dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.
"Số điểm thấp được ghi nhận trong giai đoạn nước Mỹ đang chứng kiến sự xói mòn những chuẩn mực đạo đức ở những cấp độ quyền lực cao nhất", báo cáo của tổ chức Minh bạch Quốc tế nhận định.
Ở chiều ngược lại, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có sự cải thiện về nỗ lực chống tham nhũng. Nhiều nước trong nhóm ASEAN như Indonesia, Malaysia và Philippines đều tăng nhẹ về thứ bậc. Singapore vươn lên hạng ba, trong khi Hong Kong và Nhật Bản đều xuất hiện trong top 20. New Zealand đứng hạng hai về chỉ số CPI, chỉ xếp sau Đan Mạch.
Điểm CPI trung bình của châu Á - Thái Bình Dương đạt 44/100, phần nào cho thấy những nỗ lực chống tham nhũng của khu vực. Tuy xếp sau khu vực Liên minh Châu Âu (EU) với điểm trung bình 66/100, châu Á - Thái Bình Dương vẫn có chỉ số CPI cao hơn Đông Âu và Trung Á.
Chỉ số CPI là cảm nhận của chuyên gia tài chính và quản trị quốc tế về tham nhũng trong khu vực công tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây được xem là công cụ hiệu quả để đánh giá nỗ lực chống tham nhũng toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng lo ngại chỉ số này thiếu tính khách quan do chịu ảnh hưởng nhiều từ các chuyên gia phương Tây.