Hôm 8/12, Bộ Tài chính Mỹ thông báo sẽ xử phạt 6 doanh nghiệp, bao gồm 4 doanh nghiệp và 4 tàu chở hàng các công ty đó sở hữu. Các biện pháp trừng phạt bao gồm cấm vận giao dịch và đóng băng tài sản trong khu vực có quyền tài phán của Mỹ.
Giới chức Washington đã cáo buộc các doanh nghiệp trên giúp Triều Tiên xuất khẩu than và lách lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc. Đây là nỗ lực mới nhất của chính quyền Trump nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng tiếp cận các nguồn thu quan trọng, Wall Street Journal bình luận.
Trước đó vào tháng 11, Mỹ cũng đưa một số công ty của Nga vào danh sách đen do hỗ trợ xuất khẩu lao động Triều Tiên ra nước ngoài. Bộ Tài chính Mỹ còn treo thưởng 5 triệu USD cho những thông tin liên quan đến việc Bình Nhưỡng trốn tránh lệnh trừng phạt.
Trung Quốc ưu ái Triều Tiên?
Theo Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc phải thực hiện và tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bao gồm lệnh cấm vận đối với Triều Tiên. Do đó, việc Bắc Kinh giúp đỡ Bình Nhưỡng “lách luật” đã khiến căng thẳng ngoại giao với Washington leo thang.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc ngày càng nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, thậm chí không che giấu các hoạt động giao thương “ngầm”, bao gồm xuất khẩu than với tổng giá trị ước tính khoảng 330-410 triệu USD.
“Suốt vài năm qua, tôi nghĩ chúng ta đều thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc ưu ái Triều Tiên. Việc làm này là phản tác dụng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu chung của thế giới”, ông Alex Wong, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên làm việc về vấn đề Triều Tiên, phát biểu hồi tháng trước.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP. |
Tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) hồi đầu tháng (1/12), ông Alex Wong còn cáo buộc Trung Quốc tiếp nhận ít nhất 20.000 lao động Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc. Cũng theo ông Wong, Mỹ đã phát hiện khoảng 555 tàu chở than, tàu chở hàng hóa từ Triều Tiên đến Trung Quốc trong năm qua.
“Giới chức Trung Quốc không có động thái nào để ngăn chặn các hoạt động xuất nhập khẩu trái phép này. Không một lần nào”, quan chức Mỹ chỉ trích gay gắt.
Trên thực tế, xuất khẩu lao động và xuất khẩu than đá đều mang lại nguồn thu đáng kể đối với chính phủ Triều Tiên. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu sụp đổ, Mỹ cho rằng nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu nên được dùng để cải thiện đời sống của người dân.
Song một vài quan chức Mỹ và những người từng sống ở Triều Tiên cho rằng phần lớn nguồn thu được chính phủ Triều Tiên sử dụng để phát triển các chương trình hạt nhân, tên lửa.
Mỹ - Trung bất đồng ý kiến
Từ năm 2017, Trung Quốc nhìn chung đã hạn chế giao thương với Triều Tiên. Song báo cáo hàng năm của các nhà quan sát từ Liên Hợp Quốc cho thấy Bắc Kinh vẫn tích cực hỗ trợ Bình Nhưỡng thực hiện các hoạt động thương mại trái phép nhằm trốn tránh lệnh trừng phạt.
Theo Phó trợ lý Ngoại trưởng Wong, những việc làm của Bắc Kinh đang ngăn cản Washington hoàn thành các nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Quan chức Mỹ gọi đây là “sự vi phạm trắng trợn các nghĩa vụ của Liên Hợp Quốc”.
“Nếu làm theo Bắc Kinh, chúng ta sẽ tự phá hoại nỗ lực theo đuổi hòa bình”, ông Wong tuyên bố.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP. |
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), lập tức đáp trả bài phát biểu của ông Alex Wong. Bà Hoa tuyên bố Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên lập tức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Lấy lý do cuộc khủng hoảng kinh tế sau đại dịch Covid-19, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh tin rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ mở đường cho “một giải pháp chính trị về vấn đề bán đảo Triều Tiên”.
Đến nay, Triều Tiên vẫn phải chịu nhiều lệnh trừng phạt do nước này kiên quyết theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Bình Nhưỡng cũng thường xuyên bị cáo buộc thực hiện các hoạt động giao thương trái phép từ “tàu qua tàu” nhằm trốn tránh lệnh trừng phạt.