Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc sau hai năm căng thẳng.
Giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận sẽ tiếp tục mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty Mỹ và bao gồm khoảng 200 tỷ USD mua hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc. Nhưng nó cũng sẽ để lại phần lớn mức thuế trị giá 360 tỷ USD mà Mỹ đã áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc và đe dọa trừng phạt bổ sung nếu Bắc Kinh không tuân theo các điều khoản của thỏa thuận.
Tổng thống Trump và trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên Huawei, công ty công nghệ thiệt hại nhất từ căng thẳng thương mại sẽ không được hưởng lợi từ thỏa thuận này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh.
"Chúng tôi không coi Huawei là một quân cờ", ông Mnuchin trả lời phỏng vấn trên CNBC.
Theo ông Mnuchin, Huawei là mối lo ngại an ninh đối với Mỹ, do vậy sẽ được đối xử đúng nghĩa một mối nguy an ninh chứ không phải trong giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại.
"An ninh quốc gia vẫn là vấn đề ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Mạng lưới chính phủ, doanh nghiệp, quân đội và cả mạng lưới của các đồng minh, chúng tôi muốn chúng phải hoàn toàn bảo mật", ông Mnuchin nói thêm.
"Chuyện Huawei không phải là vấn đề kinh tế. Đó là vấn đề an ninh quốc gia, vẫn đang được xử lý", Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh.
Mỹ khẳng định Huawei liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia, do vậy sẽ không được đưa vào các thỏa thuận thương mại. Ảnh: AFP. |
Theo Reuters, phía Mỹ còn đang tính đến chuyện trừng phạt nặng tay hơn đối với Huawei. Sau khi đưa công ty Trung Quốc vào danh sách đen từ 5/2019, Mỹ đã yêu cầu những công ty công nghệ nước này phải có giấy phép đặc biệt mới được giao dịch với Huawei. Họ muốn mở rộng tầm ảnh hưởng tới toàn thế giới, khiến cho Huawei gặp khó với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mỹ có thể sẽ ban hành điều khoản yêu cầu mọi thiết bị công nghệ trên thế giới, miễn là có chứa linh kiện hoặc công nghệ Mỹ chiếm một phần giá trị nhất định, phải được phía Mỹ cấp phép nếu muốn bán đến Trung Quốc.
Hiện tại con số trong quy định của Bộ Thương mại Mỹ đang là 25%, nhưng cơ quan này đang soạn thảo luật để giảm con số đó xuống dưới 10%, và mở rộng phạm vi ra mọi loại hàng hóa. Sau khi được Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng thông qua, quy định mới này có thể có hiệu lực chỉ trong vài tuần.
Đồng thời, Bộ Thương mại Mỹ cũng đang soạn thảo điều luật khác để quản lý các thiết bị công nghệ được chế tạo dựa trên công nghệ hoặc phần mềm của Mỹ. Với quy định này, kể cả những thiết bị có hàm lượng công nghệ thấp cũng sẽ bị kiểm soát và Huawei khó mua được.