Trong viễn cảnh đáng sợ mà ông Guterres đưa ra, Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh gay gắt về mọi mặt, với Internet riêng, đồng tiền, các quy tắc thương mại, tài chính riêng, và các toan tính quân sự và địa chính trị không có lợi cho thế giới.
Nguy cơ “có thể chưa lớn, nhưng có thật”, ông nói.
“Chúng ta phải làm tất cả để tránh rạn nứt, bảo toàn các trật tự phổ quát như nền kinh tế toàn cầu và sự thượng tôn luật pháp quốc tế, cũng như một thế giới đa cực với các thể chế đa phương vững mạnh”, ông Guterres nói với các nguyên thủ từ 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc.
Ông vẽ ra bức tranh ảm đạm về một thế giới đầy chia rẽ, nhiều vấn đề, với cuộc khủng hoảng khí hậu, “nguy cơ xung đột ở Vùng Vịnh”, chủ nghĩa khủng bố lan rộng, chủ nghĩa dân túy, và cách biệt giàu nghèo “đang bùng nổ”.
Ông Guterres phát biểu trước các nguyên thủ và đại diện từ 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP. |
“Chúng ta đang sống trong một thế giới bất ổn”, tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói.
“Rất nhiều người lo sợ bị giẫm đạp, trói buộc, tụt lại phía sau. Máy móc lấy mất công việc của họ. Những kẻ buôn người lấy mất nhân phẩm. Những tên độc tài lấy mất quyền của họ. Các nhóm nổi dậy lấy đi mạng sống. Nhiên liệu hóa thạch lấy mất tương lai”.
“Biến đổi khí hậu giờ đây thật ra là ‘khủng hoảng khí hậu’, và ‘sự ấm lên toàn cầu’ phải được gọi là ‘sự nóng lên toàn cầu’ thì chính xác hơn”, ông nói.
Trong bài phát biểu sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh chủ nghĩa đặt nước Mỹ trên hết của mình.
“Tương lai không thuộc về những người có tư tưởng toàn cầu hóa”, ông nói. “Tương lai thuộc về những người yêu nước”.
“Tình yêu với mỗi đất nước làm thế giới tốt đẹp hơn với tất cả quốc gia”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không nghĩ vậy. Ông nói không thể giải quyết các vấn đề của thế giới bằng cách quay vào trong.
Yêu nước thực sự là sự kết hợp giữa “tình yêu đất nước mình” và chủ nghĩa đa phương “dựa vào hợp tác thật sự, cố gắng tạo ra kết quả cụ thể”, theo tổng thống Pháp.
Năm nay, phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, sẽ diễn ra cho đến ngày 30/9, có sự góp mặt của nguyên thủ 136/193 nước thành viên. Tỷ lệ tham gia cao này phản ánh quan ngại toàn cầu về biến đổi khí hậu về các thách thức hòa bình, an ninh, theo AP.
Các nước còn lại sẽ được đại diện bởi các bộ trưởng hay các cấp phó của các lãnh đạo.
Năm nay, tỷ lệ tham gia cao của các nguyên thủ phản ánh quan ngại toàn cầu về biến đổi khí hậu về các thách thức hòa bình, an ninh, theo AP. Ảnh: AP. |