Sau vụ thử nghiệm gây sốc mới đây mà Triều Tiên tuyên bố tên lửa liên lục địa của họ đã có thể bắn tới đất liền Mỹ, các quan chức ở Washington cho hay họ đang tập trung tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để tránh xung đột thảm khốc.
Tuy nhiên, Washington rất không muốn bị xem là xuống nước với Bình Nhưỡng, nhất là khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã gọi họ là "những kẻ khốn nạn". Liệu rằng hai bên có thể ngồi xuống mặt đối mặt giải quyết những khác biệt?
Đấu mồm tốt hơn đấu súng
Các nhà phân tích và quan chức ngoại giao kỳ cựu của Mỹ từng tham gia quá trình giải quyết căng thẳng trước đây giữa Mỹ và Triều Tiên thừa nhận có những trở ngại lớn trong cách thức đàm phán, đặc biệt là khi hai bên không có quan hệ ngoại giao.
Dù vậy, họ cũng cho rằng việc ngồi xuống nói chuyện không những có thể thực hiện mà thực sự còn là giải pháp khả thi duy nhất, dù đàm phán trực tiếp hay thông qua các bên thứ ba, bao gồm các chính trị gia cấp cao của Mỹ không làm việc cho chính quyền Trump.
"Cách duy nhất ở đây là qua kênh ngoại giao", ông James Clapper, người từng giữ chức trưởng cơ quan tình báo Mỹ tại Hàn Quốc và sau này là giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ dưới thời Barack Obama, nhận định.
Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào tháng 9/2007. Ảnh: AFP. |
Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5 cho biết ông sẽ "vinh dự" gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un theo cách mà ông gọi là hoàn cảnh thích hợp. Hoàn cảnh đó, về cơ bản, là yêu cầu Bình Nhưỡng trước tiên phải dừng ngay các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Trong khi tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ trả đũa một cách "vô cùng tàn khốc" đối với vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis phản ứng bằng cách nhắc lại câu nói của nhà lãnh đạo Anh nổi tiếng thời chiến Winston Churchill: "Đối thoại thay cho đối đầu".
Lãnh đạo tối cao Triều Tiên cũng để mở khả năng đàm phán sau vụ thử nghiệm hôm 4/7, nói rằng chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này có thể "đàm phán" nếu Mỹ từ bỏ cái mà Bình Nhưỡng gọi là "chính sách thù địch".
Trong khi Bình Nhưỡng luôn tìm cách đưa Washington vào các cuộc đàm phán song phương suốt nhiều thập kỷ qua thì Washington lại nhất mực muốn thương lượng thông qua các kênh gián tiếp và không chính thức.
Cách duy nhất ở đây là qua kênh ngoại giao.
James Clapper, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ
Trong những năm 2000, một cơ chế 6 thành viên bao gồm cả Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc dường như ở một mức độ nào đó đã kéo được Triều Tiên hướng ra bên ngoài các vụ thử nghiệm cũng như trì hoãn tốc độ phát triển của chương trình hạt nhân.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực đã sụp đổ vào năm 2009. Khi lên nắm quyền hai năm sau đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã từ chối tham gia mọi cuộc đàm phán, đồng thời quyết tâm thực hiện chương trình hạt nhân nhằm chứng tỏ sức mạnh quân sự cũng như củng cố vị thế chính trị trong nước của mình.
Xây dựng lòng tin
Kể từ đó, các kênh liên lạc đều thông qua các diễn đàn, hội thảo có sự tham gia của các cựu quan chức, học giả, đại diện tổ chức nhân đạo và đôi khi thông qua các quan chức bán chính thức.
Theo những người tham gia thì các cuộc gặp như vậy có thể trở nên căng thẳng vì phía Triều Tiên luôn đưa ra các quan điểm được cho là do nhà lãnh đạo Kim Jong Un trực tiếp vạch ra. Những người tham gia phải mất rất nhiều công sức để "bắc cầu" kết nối những khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa.
Tuy nhiên, ông Joseph DeTrani, cựu phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ từng tham gia các vòng đàm phán 6 bên nói trên, cho rằng "có khả năng xây dựng lòng tin" giữa các bên.
Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter (thứ ba từ phải sang) đã đàm phán với Triều Tiên về việc trả tự do cho công dân Aijalon Mahli Gomes (thứ hai từ trái sang) vào tháng 8/2010. Ảnh: Getty. |
Trong quá khứ, khi Mỹ muốn tìm cách thuyết phục Triều Tiên trả tự do cho những công dân Mỹ bị Triều Tiên giam giữ, nhà lãnh đạo Kim Jong Il, cha ông Kim Jong Un, từng sẵn lòng gặp và thương lượng với các sứ giả từ Mỹ như hai cựu tổng thống Bill Clinton và Jimmy Carter hay cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Bill Richardson.
Những cuộc gặp mặt như thế hiếm khi xảy ra dưới thời ông Kim Jong Un nhưng vị lãnh đạo thường xuyên gặp cựu ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman, người là khách mời thường xuyên của Triều Tiên trong những năm qua.
Ông DeTrani, người xem ông Kim Jong Un là một nhà lãnh đạo quyết đoán, cho biết: "Chúng tôi đã từng có những thỏa thuận với ông Kim Jong Il".
Thay vì nhờ bên thứ ba, một số ý kiến thúc giục Mỹ thiết lập quan hệ bán chính thức bằng cách thành lập Bộ phận Quyền lợi Triều Tiên ở Bình Nhưỡng với nhân viên là các nhà ngoại giao Mỹ và cho phép Triều Tiên đặt một cơ quan như vậy ở Washington.
Thế nhưng, ngay cả khi đã thiết lập được một kênh đàm phán, mọi việc sẽ diễn ra như thế nào?
Mô hình đàm phán Iran?
Vấn đề ở chỗ Triều Tiên muốn điều mà chúng ta không muốn đáp ứng.
Scott Snyder, chuyên gia về Triều Tiên
Scott Snyder, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên tại Hội đồng Đối ngoại Mỹ, nói rằng vấn đề cơ bản là Mỹ không thể chấp nhận việc Triều Tiên yêu cầu Mỹ rút lực lượng quân sự bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản tại khu vực.
"Vấn đề ở chỗ Triều Tiên muốn điều mà chúng ta không muốn đáp ứng", ông Snyder nói.
Frank Aum, cựu nhân viên Lầu Năm Góc giờ làm cho Viện Mỹ - Triều thuộc Đại học Johns Hopkins, nói chính quyền Trump phải thích ứng bằng cách chấp nhận, ít nhất là trong nội bộ, rằng họ rõ ràng đang phải đối phó với một cường quốc hạt nhân cần được kiềm chế.
Các chuyên gia cho rằng mô hình Iran có thể áp dụng cho đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng Tổng thống Trump vốn là người phản đối gay gắt thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: Getty. |
Ông Aum ủng hộ việc tăng cường gây áp lực về kinh tế với Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt và cố ép Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng với Bình Nhưỡng. Ông cho rằng chiến thuật tương tự đã thuyết phục được Iran kiềm chế chương trình hạt nhân dưới thời Obama.
"Phải mất ba năm lệnh trừng phạt Iran mới bắt đầu phát huy tác dụng", ông nói.
Dù vậy, chính quyền Trump không những không tán đồng thỏa thuận đạt được với Iran về chương trình hạt nhân mà còn gọi đó là một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất lịch sử.
Theo ông Snyder, mô hình đàm phán Iran sẽ không có tác dụng vì Bình Nhưỡng đã chứng minh được năng lực hạt nhân của mình và lãnh đạo của họ gần như miễn dịch với áp lực từ bên ngoài.
"Chế độ của họ hưởng lợi từ sự biệt lập về chính trị", ông nói.