Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ - Triều đàm phán dở dang năm 1999: Câu hỏi 'cây gậy hay củ cà rốt'

Chuyến thăm lịch sử của phái đoàn Mỹ tới Triều Tiên năm 1999 mở ra giai đoạn đầy hy vọng giữa 2 bên. Nhưng phe "diều hâu" lên nắm quyền ở Mỹ, biến tất cả trở thành vô vọng.

Cuối tháng 5/1999, cựu ngoại trưởng Mỹ William Perry hạ cánh xuống Triều Tiên, với nhiệm vụ tránh để 2 nước đi tới bờ vực chiến tranh.

Đó là quãng thời gian đầy căng thẳng. Năm trước đó, Bình Nhưỡng đã phóng thử tên lửa tầm xa Taepodong-1 bay qua Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương. Lời đe dọa là rõ ràng: nếu có chiến tranh, loại tên lửa liên lục địa này chắc chắn sẽ được gắn đầu đạn hạt nhân. Đó là cách duy nhất để chúng có tác động đáng kể.

Thỏa thuận năm 1994 giữa Bình Nhưỡng và Washington đang tan rã. Phía Mỹ chậm trễ viện trợ dầu và xây lò phản ứng nước nhẹ (chỉ dùng được để cung cấp điện) cho Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng bí mật chế tạo bom nguyên tử.

Lần này, cựu ngoại trưởng Mỹ hứa hẹn nhiều hơn thế: bình thường hóa quan hệ, thương mại với Mỹ, được quốc tế công nhận, và cả 100.000 tấn khoai tây.

Theo Guardian, chuyến thăm của ông quay trở lại câu hỏi muôn thuở của ngoại giao Mỹ: liệu các gói viện trợ, kèm theo các đe dọa (“cây gậy và củ cà rốt”), có thể buộc Triều Tiên đi đến thỏa thuận?

Câu hỏi này giờ đây có ý nghĩa lớn khi phe “diều hâu” trong chính quyền Trump, như tân cố vấn an ninh John Bolton, coi cuộc gặp lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến tháng 5 tới là vô ích.

Tuy nhiên, phái đoàn của ông Perry cho rằng chuyến thăm của họ đã có thể khiến 2 nước bớt thù địch, nếu không có thay đổi tổng thống ở Mỹ. Theo họ, đây là cơ hội bị bỏ lỡ lớn nhất trong quan hệ 2 nước.

My tham Trieu Tien 1999 dam phan anh 1
Cựu ngoại trưởng William Perry và phái đoàn Mỹ thăm Tháp Juche ở Bình Nhưỡng tháng 5/1999. Ảnh: AP.

Chuyến thăm đầu: Không biết thành công hay thất bại

Triều Tiên biết cách thị uy trước các sứ giả từ nước thù địch. Một quan chức quân đội cao cấp gặp ông Perry ngay sáng đầu tiên. “Nếu các ông ném bom chúng tôi, ngày hôm sau vũ khí hạt nhân cũng sẽ rơi xuống thành phố các ông… không chừa Palo Alto”, vị tướng này nói, ám chỉ quê hương ông Perry, sau những cái bắt tay chặt và đe dọa.

Mặc dù vậy, 4 ngày tiếp theo, phái đoàn Mỹ cũng được thiết đãi tiệc rượu, xem trình diễn nhào lộn, và tham quan Bình Nhưỡng. Khắp nơi, Triều Tiên cho người tới chào đón nồng nhiệt, với các nhóm múa và dân ca bất ngờ xuất hiện biểu diễn “như phim ca nhạc Hollywood”, Wendy Sherman, một quan chức trong đoàn, nói với Guardian.

Họ cũng gặp những điều ngạc nhiên, giữa một lịch trình chính xác tới từng li. Giám đốc một bệnh viện nhi, nơi không còn thuốc kháng sinh, rơm rớm nước mắt khi được phía Mỹ trao tặng thuốc men. Một bé gái nhất quyết không ra bắt tay người Mỹ và phải có người dỗ dành – minh chứng cho nhiều năm nghi kị giữa 2 nước.

Perry mang tới những đề xuất cụ thể, chẳng hạn thiết lập “phân bộ ngoại giao” ở Bình Nhưỡng để sau này chuyển thành sứ quán.

“Chúng tôi muốn đi xa hơn vấn đề hạt nhân … giúp Triều Tiên trở thành một nước được công nhận”, ông Perry nói với báo Guardian. “Đó là điểm khác biệt với các cuộc đàm phán trước đây”.

Mặc dù phía Triều Tiên lắng nghe các đề xuất và hỏi nhiều câu hỏi, họ chỉ cảm ơn mà không đưa ra thỏa thuận nào. Hóa ra lãnh đạo Kim Jong-il bận những việc khác.

"Sẽ giải quyết mọi lo ngại"

Tháng 6/2000, lãnh đạo 2 miền Triều Tiên gặp gỡ lần đầu tiên kể từ cuộc chiến 50 năm trước. Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đắc cử năm 1998 và theo đuổi chính sách “ánh dương”: viện trợ kinh tế đồng thời giảm thù địch với Triều Tiên.

Ông không biết điều gì đợi ông ở Bình Nhưỡng. Nhưng khi cửa máy bay mở ra, hàng nghìn người đang vẫy hoa giấy màu đỏ và hô vang tên 2 lãnh đạo cùng mang họ Kim. Cam kết hợp tác của họ khiến thế giới lạc quan về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ông Kim Dae-jung nhận giải Nobel Hòa bình vài tháng sau đó.

My tham Trieu Tien 1999 dam phan anh 2
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il bắt tay với Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung trong hội nghị thượng đỉnh tháng 6/2000. Ảnh: AP.

Khôi phục quan hệ với Seoul, Bình Nhưỡng sẵn sàng đàm phán với Mỹ. Nhưng Tổng thống Clinton chỉ còn nắm quyền vài tháng.

“Triều Tiên mất hơn 1 năm để nhận lời mời đối thoại của ông Perry. Điều đó chứng tỏ họ thiếu kinh nghiệm, khi đã đợi đến năm bầu cử ở Mỹ”, Philip Yun, quan chức ngoại giao trong phái đoàn Perry nói với Guardian.

Tháng 10/2000, Triều Tiên cử Đô đốc Jo Myong-rok, một quan chức quân đội cao cấp, tới thăm Mỹ. Ông cũng thăm các công ty công nghệ, đặc biệt là của những người Mỹ gốc Hàn, ở San Francisco. Cũng như khi phái đoàn Mỹ thăm bệnh viện nhi, điểm dừng này nhằm giúp các quan chức nhìn quan hệ ngoại giao dưới góc độ con người.

Ở Nhà Trắng, ông Jo và Tổng thống Clinton hứa hẹn sẽ có thêm các cuộc gặp để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Ông Jo nói nếu ông Clinton đến thăm Bình Nhưỡng, lãnh đạo Kim Jong-il “đảm bảo sẽ giải quyết hết mọi lo ngại”.

My tham Trieu Tien 1999 dam phan anh 3
Tới Nhà Trắng, ông Jo Myong-rok bất ngờ thay bộ Âu phục và khoác lên người bộ quân phục có gắn một dàn huy chương, hình ảnh mà Triều Tiên muốn thể hiện. Cảnh một tướng lĩnh mặc quân phục được Tổng thống Clinton chào đón đã làm tăng thể diện của nước này. Ảnh: Nhà Trắng.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

9 ngày sau chuyến thăm của ông Jo, Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright tới Bình Nhưỡng để chuẩn bị cho chuyến thăm của Bill Clinton.

Kim Jong-il thịnh soạn chiêu đãi phái đoàn bà Albright, bao gồm ca nhạc Triều Tiên và Mỹ. Ông đưa họ đến một sân vận động tối mịt nơi có điều bất ngờ. Khi sáng đèn, hơn 200.000 người hô vang tên ông Kim, và toàn sân tràn ngập các màn đồng diễn đẹp mắt.

Phía khán đài bên kia là một bức tranh khổng lồ được tạo thành từ hàng chục nghìn người giương các tấm bìa, và họ đồng loạt chuyển cảnh, chính xác tới từng giây, khiến bà Albright choáng ngợp.

Chưa hết, họ còn xếp được hình tên lửa Taepodong đang phóng lên giữa khói và lửa. Ông Kim, ngồi cạnh bà Albright, nói “đó là lần phóng đầu tiên, và cũng là cuối cùng”.

My tham Trieu Tien 1999 dam phan anh 4
Bất ngờ dành cho Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright: Các màn đồng diễn và bức tranh khổng lồ tạo thành từ hàng chục nghìn tấm bìa ở bên kia khán đài. Ảnh: AFP/Getty.

Buổi làm việc hôm sau, ông Kim nhanh chóng trả lời các lo ngại của bà Albright, khiến bà tin tưởng chuyến thăm của Clinton sẽ cầm chắc thắng lợi.

Nhưng ở Mỹ, George W. Bush đánh bại Al Gore trong một cuộc bầu cử tổng thống ngang ngửa và tranh cãi phải nhờ Tòa án Tối cao định đoạt, khiến ông Clinton không thể thăm Triều Tiên. Giúp Bush thắng cuộc có một luật sư với mái tóc màu vàng cát, ria mép, và đeo kính, chính là cố vấn an ninh mới John Bolton của Tổng thống Trump.

Các nhân vật thuộc phe “diều hâu” bao gồm John Bolton (được Bush trao chức thứ trưởng ngoại giao) đã thuyết phục tân tổng thống dừng đối thoại. Vụ khủng bố 11/9 cùng nỗi lo an ninh khiến Bush gọi các nước như Triều Tiên, Iran và Iraq là “trục ma quỷ”.

Cơ hội bị bỏ lỡ

Ở tuổi 90, ông Perry giờ đây đi khắp thế giới cùng con gái Robin để nói với thế hệ lãnh đạo hiện nay rằng dù chưa có vụ tấn công hạt nhân nào kể từ Nagasaki năm 1945, không có nghĩa là thế giới đã an toàn. Thực ra, chúng ta chỉ đang gặp may.

My tham Trieu Tien 1999 dam phan anh 5
Cựu ngoại trưởng Mỹ William Perry năm 1999. Là quan chức từng trải qua các sự kiện đáng sợ như khủng hoảng tên lửa Cuba 1962, báo động nhầm 200 tên lửa Liên Xô phóng về Mỹ, và bờ vực chiến tranh Mỹ - Triều 1994, ông lập một tổ chức chuyên về hiểm họa hạt nhân thời nay. Ảnh: AP.

Trong khi đó, nên dùng “cây gậy” hay “củ cà rốt” với Triều Tiên vẫn là tranh luận muôn thuở của các chính quyền Mỹ.

John Bolton khi cố vấn cho Trump sẽ ưu tiên quân sự hơn là ngoại giao cho và nhận. Trước đây ông đã nhiều lần đề nghị đánh Triều Tiên, bất chấp hậu quả với Hàn Quốc.

Tổng thống Trump, ông Bolton và tân Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng chỉ trích việc các chính quyền trước trừng phạt nửa vời và tỏ ra yếu thế. Theo họ, sự khởi sắc về ngoại giao năm 1999 chỉ là ảo tưởng.

Họ cũng nhắc lại kết luận của tình báo Mỹ năm 2002 nói Triều Tiên đã gian lận trong các thỏa thuận: đồng ý dừng xử lý plutonium nhưng lại bí mật làm giàu uranium, một cách khác để tạo bom nguyên tử.

Ngay cả Evans Revere, trong phái đoàn của ông Perry ủng hộ đối thoại, cũng nói với Guardian “Nếu biết những điều tôi biết bây giờ, tôi đã cứng rắn hơn ... Bình Nhưỡng quyết tâm theo đuổi vũ khí hạt nhân bằng mọi giá, vì từ lâu họ đã coi đó là cách duy nhất để tồn tại”.

Tuy nhiên, những người khác trong phái đoàn nói chính họ cũng biết Bình Nhưỡng gian lận, nhưng vẫn lựa chọn đàm phán. “Ý định của chúng tôi là mang tới nhiều lợi ích, để Triều Tiên có nhiều điều để mất nếu không chịu đối thoại”, Robert Carlin, chuyên viên tình báo làm việc cho ông Perry, nói với Guardian.

Chính sách cứng rắn thời Tổng thống Bush không có tác dụng mà Mỹ mong muốn. Bình Nhưỡng phóng thêm tên lửa và thử hạt nhân dưới lòng đất. Không có phương án quân sự khả thi, ông Bush cuối năm 2007 phải đề xuất một gói viện trợ như của ông Perry, cũng bao gồm bình thường hóa quan hệ.

“Tôi nghĩ chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội để ngăn chặn chương trình hạt nhân của họ”, ông Perry nói về chuyến thăm năm 1999.

90s: Đối thoại hòa giải hay 'cái bẫy' của Triều Tiên Lãnh đạo Triều Tiên đề nghị gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump để đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân, một bước đi bất ngờ làm dấy lên nghi vấn về động cơ thực sự của Triều Tiên.

Quan chức Triều Tiên, Hàn Quốc bàn về hội nghị thượng đỉnh

Các quan chức của Triều Tiên và Hàn Quốc hôm nay bắt đầu đối thoại cấp cao để lên kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 4.

Trump gặp gỡ Kim Jong Un: Làm những gì người tiền nhiệm không thể

Quyết định nhận lời gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, dù bất ngờ, lại biểu hiện tính cách và cách hành xử rất điển hình ở Tổng thống Donald Trump.


Trọng Thuấn

(Theo Guardian)

Bạn có thể quan tâm