Lầu Năm Góc hôm 29/11 công bố đánh giá bố trí nguồn lực quốc phòng toàn cầu. Theo đó, lực lượng Mỹ theo đuổi các mục tiêu chính gồm răn đe Nga, chống khủng bố ở Trung Đông, và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo Wall Street Journal.
Đánh giá nhấn mạnh nhu cầu tăng cường kết nối năng lực quân sự to lớn của Mỹ với các ưu tiên chiến lược của chính quyền Tổng thống Joe Biden, một trong số đó là đối phó sức mạnh quân sự đang lên cũng như các hành vi ngày càng gây căng thẳng của Bắc Kinh.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ nâng cấp hàng loạt sân bay, cơ sở hạ tầng tại các căn cứ ở Guam và Australia, đi cùng việc triển khai máy bay tiêm kích, máy bay ném bom tới các căn cứ vốn đã được tiến hành thời gian qua, giới chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Một số thông tin chi tiết về việc tái bố trí các lực lượng Mỹ được phân loại mật và không được công bố.
Hàng loạt thách thức
Các chuyên gia quốc phòng nhận định báo cáo vừa qua của Lầu Năm Góc chưa có điều chỉnh lực lượng đáng kể tại châu Á. Điều này cho thấy những thách thức mà Washington đang phải đối mặt để có thể cân bằng các nguồn lực, đáp ứng nhu cầu đối phó với Trung Quốc trong khi vẫn phải duy trì các cam kết toàn cầu khác.
Trong 10 tháng đầu tại vị, chính quyền Tổng thống Biden không thành công với chiến lược quân sự. Sau cuộc rút quân hỗn loạn ở Afghanistan, Mỹ và các đồng minh đối mặt với sức ép của Nga ở Đông Âu. Trong khi đó, Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự quanh đảo Đài Loan, một đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Á.
Lực lượng Nga triển khai ở Đông Âu gây sức ép cho Mỹ. Ảnh: Reuters. |
"Thế giới lúc này thậm chí còn bất ổn hơn so với 6 tháng trước", Mackenzie Eaglen, chuyên gia chiến lược quốc phòng từ tổ chức tư vấn chính sách American Enterprise Institute, nói.
Việc rút lui khỏi Afghanistan đồng nghĩa Mỹ sẽ phải giám sát các mối đe dọa khủng bố, thu thập thông tin tình báo từ bên ngoài bởi đã không còn nhân lực trên thực địa, khiến Washington phải cân nhắc kỹ trước khi rút bớt nguồn lực khỏi khu vực.
"(Afghanistan) là một phần lý do chúng ta không thể có thay đổi lớn về phân bổ lực lượng ở Trung Đông và châu Âu, bởi giờ chúng ta đã mất tai mắt ở Afghanistan", bà Eaglen nói.
Giới chức quốc phòng Mỹ nhận định bối cảnh thế giới có nhiều biến động, tuy nhiên đánh giá của Lầu Năm Góc đã đạt được một số mục tiêu đặc biệt liên quan tới Trung Quốc.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết cấu trúc các lực lượng vũ trang đang có sự thay đổi, việc điều chỉnh phân bổ lực lượng cần có đánh giá kỹ lưỡng trước khi ra quyết định.
Đánh giá phân bổ nguồn lực quốc phòng được khởi động không lâu sau khi ông Biden nắm quyền. Tài liệu này là một trong số các khung chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia dự kiến được công bố trong những tháng tới.
Giới chức Lầu Năm Góc cho biết sẽ có thêm phân tích đối với phân bổ lực lượng Mỹ ở Trung Đông, châu Âu và châu Á. Nguồn lực dành cho lực lượng hạt nhân và không gian mạng cũng đang được rà soát. Trước đó, đánh giá riêng về Trung Quốc đã được tiến hành.
Một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết đánh giá vừa qua của Lầu Năm Góc kết luận chưa cần thiết có tái triển khai lực lượng ở quy mô lớn. Thay đổi đáng kể có thể được đưa ra sau khi Washington công bố chiến lược quốc phòng mới đầu năm 2022.
"Ban đầu, tâm lý chung là sẽ có thay đổi lớn về bố trí lực lượng. Nhưng sau đó, khi nghiên cứu sâu hơn, chúng tôi nhận thấy phân bổ lực lượng trên toàn cầu hiện giờ là phù hợp", quan chức Mỹ nói.
Trọng tâm đối phó Trung Quốc
Trong tài liệu công bố hôm 29/11, Lầu Năm Góc cho biết kế hoạch cải tạo các sân bay quân sự ở Guam và Australia sẽ khởi động từ đầu năm sau.
Guam là căn cứ hải quân và không quân lớn với hàng nghìn binh sĩ Mỹ đồn trú. Trong khi đó, thủy quân lục chiến Mỹ được triển khai luân phiên ở Australia. Guam và Australia là hai vị trí then chốt trong chiến lược đối phó với Trung Quốc của Mỹ.
Tại Guam, Mỹ sẽ tiến hành nhiều hoạt động cải tạo cơ sở hạ tầng, bao gồm xây mới các nhà kho chứa nhiên liệu, đạn dược, cùng các dự án khác, Mara Karlin, quan chức cấp cao phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết.
Trong khi đó, Washington cũng sẽ gửi thêm lực lượng chiến đấu và hậu cần tới Australia.
Kế hoạch trên sẽ nâng cao năng lực điều chuyển lực lượng của Mỹ tại khu vực trong trường hợp điều động phục vụ chiến đấu.
Căn cứ không quân Andersen tại Guam. Ảnh: Reuters. |
Giới chức Mỹ không tiết lộ chi tiết về các dự án cải tạo cơ sở hạ tầng, cho biết đây là thông tin mật.
Một số hoạt động tái phân bổ lực lượng, khí tài quân sự phù hợp với chiến lược hiện nay đã được tiến hành trong vài tháng qua, gồm triển khai máy bay, khí tài quân sự tới Australia, đưa một phi đội trực thăng tấn công và các trung tâm chỉ huy lực lượng pháo binh tới Hàn Quốc.
Ở châu Âu, Lầu Năm Góc đã đảo ngược quyết định của chính quyền Trump bằng quyết định dỡ bỏ mức trần 25.000 quân có thể triển khai tới Đức.
Lầu Năm Góc cũng thông báo với Bỉ và Đức việc Mỹ sẽ duy trì hiện diện tại 7 căn cứ mà theo một kế hoạch trước đó lực lượng sẽ được rút về nước.
Hồi tháng 6, trong bước đi tái bố trí lực lượng đáng chú ý ở Trung Đông, Lầu Năm Góc đã rút 8 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot khỏi khu vực.
Các hệ thống Patriot được sử dụng để bảo vệ lực lượng Mỹ ở Trung Đông trước nguy cơ tấn công bằng các loại tên lửa. Theo lý giải của giới chức quốc phòng Mỹ, vũ khí này đã trở nên không cần thiết bởi một số lực lượng mặt đất đã được rút đi.
Nhiều chuyên gia quân sự cũng như quan chức quốc phòng một số nước cho rằng việc Mỹ rút bớt lực lượng gửi đi thông điệp tới các quốc gia ở Vùng Vịnh rằng Washington sẽ không tiếp tục duy trì cam kết với khu vực.
Trong chuyến thăm UAE và Bahrain đầu tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã phải trấn an các đồng minh rằng Mỹ duy trì cam kết "chắc chắn" bảo vệ an ninh của khu vực Trung Đông.