Theo kết quả mà DOC vừa công bố ngày 9/1, công ty Hùng Vương và 23 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khác phải chịu mức thuế suất 0,79USD/kg. Mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp doanh nghiệp (DN) Việt Nam lần này đã tăng 0,21 USD/kg so với mức thuế đưa ra trong phán quyết sơ bộ của DOC hồi tháng 7/2014. Mức thuế suất toàn quốc được giữ nguyên như phán quyết sơ bộ là 2,39 USD/kg.
Chỉ có hai DN là công ty TNHH Thủy sản Biển Đông và công ty Vĩnh Hoàn không phải chịu thuế chống bán phá giá do không nằm trong đợt rà soát lần này và kể cả đợt ra soát hành chính kỳ 11 (POR11). Đây là 2 DN xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam và thị trường Mỹ có mức thuế suất thấp không thay đổi đến tận năm 2017.
Chế biến cá tra. Ảnh minh họa. |
Trước đó, tháng 7/2014, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố quyết định sơ bộ về việc điều chỉnh mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam. Mỹ sẽ áp dụng mức thuế từ 0 đến 2,39 USD/kg đối với cá tra phi lê nhập khẩu từ Việt Nam trong đợt rà soát hành chính lần thứ 10 (POR10), từ tháng 8/2012 đến tháng 7/2013.
Theo quyết định POR10 của DOC, chỉ có 2 doanh nghiệp được đưa ra khỏi danh sách điều tra lần này và tiếp tục hưởng mức thuế 0%. Mức thuế suất áp dụng cho 24 công ty khác là 0,58 USD/kg. Mức thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.
Ngày 14/11, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết trong khuôn khổ quy trình rà soát hoàng hôn lần thứ hai (5 năm một lần) lệnh áp dụng thuế chống bán phá giá, Uỷ ban Thương mại quốc tế Mỹ(ITC) đã biểu quyết tuyệt đối khẳng định nguy cơ cá tra nhập khẩu sẽ tiếp diễn hoặc tái diễn gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất cá da nước này. Theo kết quả biểu quyết này, lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được tiếp tục áp dụng thêm 5 năm nữa.