Những người chỉ trích nói các thương vụ này đang được tiến hành quá gấp rút dù bị phản đối rộng rãi từ quốc hội và công chúng, nhất là khi các nước mua vũ khí bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Trong đó, hai nước Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bị phản đối vì gây ra thương vong nặng nề cho dân thường trong cuộc chiến ở Yemen, theo Guardian.
Cụ thể, cơ quan hợp tác quốc phòng của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chấp thuận việc bán loại bom GBU-39 đường kính nhỏ và các thiết bị liên quan cho Saudi Arabia ngày 29/12.
Cùng ngày, cơ quan này công bố thỏa thuận bán các trực thăng H-64E Apache, trị giá 4 tỷ USD, cho Kuwait, thiết bị chống tên lửa cho chuyên cơ tổng thống cho Ai Cập (trị giá 104 triệu USD), và thiết bị nhắm bắn (trị giá 65,6 triệu USD) cũng cho Ai Cập.
Ai Cập cũng đang bị phản đối vì gây thương vong cho dân thường trong chiến dịch chống nổi dậy ở vùng bắc Sinai.
Một viện chính sách ở New York sắp công bố vụ kiện Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về một thỏa thuận bán vũ khí trị giá 65,6 triệu USD cho UAE.
Thương vụ bán vũ khí của Mỹ cho Saudi Arabia và UAE đã vấp phải chỉ trích. Ảnh: Getty Images. |
Bộ Ngoại giao Mỹ nói các thỏa thuận sẽ giúp tăng cường an ninh cho các nước có quan hệ tốt với Mỹ, góp phần vào ổn định của khu vực.
Những người phê phán cho rằng chính quyền đang gấp rút bán vũ khí do Tổng thống Trump sắp mãn nhiệm. Họ cũng cho rằng việc bán thêm bom cho chính phủ Saudi Arabia là khó chấp nhận vì nước này đã không kích một cách “tùy tiện” làm hàng nghìn dân thường Yemen thiệt mạng.