Theo một nghiên cứu tại Mỹ mới đây, những lo lắng dai dẳng về việc đại dịch Covid-19 kéo dài và có thể quay trở lại đã khiến gần 3 triệu người dân nước này "tự nguyện nghỉ việc" trong năm 2022, làm tổng sản lượng trong nền kinh tế "bốc hơi" khoảng 250 tỷ USD so với nửa đầu năm ngoái.
Cụ thể, gần 60% số người trong cuộc khảo sát cho biết họ vẫn chưa hoàn toàn quay trở lại cuộc sống như trước đại dịch. Những người này chia sẻ rằng mình chấp nhận nghỉ làm để không phải đi đến những nơi đông đúc như tàu điện ngầm hay thang máy công ty.
Theo trang tin Bloomberg, con số 60% này chiếm khoảng 2% trên tổng lực lượng lao động, tương đương gần 3 triệu người.
Nhiều người lao động tại Mỹ vẫn lo lắng rằng dịch Covid có thể quay lại và chưa sẵn sàng để đi làm. Ảnh: Getty Images. |
Cũng theo nghiên cứu, tổng thu nhập và sản phẩm do 3 triệu người này làm ra ước tính có giá trị khoảng 250 tỷ USD. Điều này có nghĩa là GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm nay cũng sẽ bị thiệt hại một khoản tương đương, tính theo tỷ giá hiện hành.
Được biết, 80% trong số những người nói trên đều có tâm lý thận trọng hoặc có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, hoặc là những người đã từng mắc các triệu chứng hậu Covid. Họ thường có xu hướng nghỉ việc và tạm dừng các hoạt động xã hội. "Khả năng cao nền kinh tế sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những vấn đề này trong một thời gian dài, nhất là khi chúng ta đang ở thời điểm cận kề suy thoái", nhóm tác giả của bài nghiên cứu cho biết.
Đa số doanh nghiệp đã quay trở lại làm việc trực tiếp như trước đại dịch, điều này khiến cho nhiều người chấp nhận từ bỏ việc làm hiện tại để ở nhà
Giảng viên Nick Bloom của Đại học Stanford
Hơn thế nữa, những triệu chứng hậu Covid từ đơn giản như khó thở, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, cho đến phức tạp như sương mù não, xơ phổi, hay tim đập nhanh hiện đều chưa có biện pháp phòng tránh hay phác đồ điều trị cụ thể. Điều này khiến cho cả những người chưa mắc Covid cũng cảm thấy lo lắng.
Nhận xét về vấn đề này, ông Jose Maria Barrero - giảng viên tại Trường kinh doanh ITAM - khẳng định: "Những người chưa nhiễm Covid nhưng đã chứng kiến một người bạn hoặc một người thân của họ phải chịu những ảnh hưởng của Covid, cũng thường có quan điểm thận trọng hơn trong việc đi làm lại bình thường".
Một vấn đề khác là số lượng công việc trực tuyến giảm mạnh cũng khiến nhiều người ngại đi làm. "Đa số doanh nghiệp đã quay trở lại làm việc trực tiếp như trước đại dịch, điều này khiến cho nhiều người chấp nhận từ bỏ việc làm hiện tại để ở nhà", giảng viên Nick Bloom của Đại học Stanford nói thêm.
Ngoài ra, tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ người nhập cư giảm mạnh cũng khiến cho nguồn lao động tại Mỹ phải chịu nhiều ảnh hưởng.
Theo báo cáo từ Viện nghiên cứu chính sách Brookings, có tới 9,7 triệu người lao động Mỹ đã tự nguyện bỏ việc trong suốt thời kỳ đại dịch, và tổng thiệt hại mà đại dịch Covid-19 đã gây ra cho nền kinh tế lớn nhất thế giới này là khoảng 3.700 tỷ USD - tính từ năm 2020.