Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ theo dõi người dùng Internet khắp thế giới

Chính phủ Mỹ đang sử dụng một chương trình tuyệt mật, gọi là XKeyscore, cho phép tình báo nước này giám sát “gần như mọi thứ mà một người sử dụng thông thường thực hiện trên Internet”.

Mỹ theo dõi người dùng Internet khắp thế giới

Chính phủ Mỹ đang sử dụng một chương trình tuyệt mật, gọi là XKeyscore, cho phép tình báo nước này giám sát “gần như mọi thứ mà một người sử dụng thông thường thực hiện trên Internet”.

Dẫn nội dung các tài liệu mật được Edward Snowden cung cấp, báo The Guardian (Anh) hôm 31/7 cho biết đây là chương trình có phạm vi hoạt động rộng nhất của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) trong việc thu thập thông tin tình báo trên mạng.

“Giúp bắt trên 300 tên khủng bố”

Các tài liệu cho thấy XKeyscore cho phép điệp viên Mỹ giám sát việc sử dụng thư điện tử và truyền thông xã hội, hoạt động lướt web, tìm kiếm trực tuyến và hầu như mọi hoạt động trên mạng của một mục tiêu theo thời gian thực. Sau đó các chuyên gia phân tích được phép tìm kiếm thông tin cần tìm trong cơ sở dữ liệu chứa nội dung e-mail, các cuộc tán gẫu trên mạng và lịch sử lướt web của hàng trăm triệu người mà không cần xin phép.

 

Một tài liệu mật về chương trình XKeyscore.

Họ cũng có thể sử dụng XKeyscore và những hệ thống khác của NSA để thu thập thông tin theo thời gian thực về hoạt động trên Internet của một cá nhân nào đó. Chẳng hạn như các nhà phân tích có thể biết ai đó đang sử dụng một ngôn ngữ khác thường trong địa phương, như dùng tiếng Đức tại Pakistan hoặc sử dụng dịch vụ bản đồ Google Maps để tìm kiếm các địa điểm muốn tấn công khủng bố.

Không dừng lại ở đó, chương trình XKeyscore đang được cập nhật để trở nên mạnh mẽ và nhanh hơn, đồng thời bổ sung những loại dữ liệu mà nó có thể thu thập, như dữ liệu EXIF được nhúng trong các bức ảnh số.

Hạ tầng máy tính của chương trình này gồm 500 máy chủ được đặt tại mọi lục địa. Một bản đồ cho thấy những máy chủ này thậm chí có mặt ở những quốc gia đối thủ của Mỹ như Nga, Trung Quốc, Venezuela… Tài liệu này còn khoe rằng không một hệ thống nào có thể dò tìm trong một lượng thông tin khổng lồ như XKeyscore, nhờ vậy mà Mỹ bắt giữ “trên 300 tên khủng bố”. Tuy nhiên, báo The Guardian đã lược bỏ những phần thông tin nói về các chiến dịch chống khủng bố cụ thể của NSA.

Bài báo cũng nhận định sự tồn tại của chương trình đã xác thực bởi tuyên bố hồi tháng 6 của Snowden, theo đó anh ta “có thể theo dõi bất kỳ ai, từ nhân viên kế toán, thẩm phán liên bang cho đến cả tổng thống, nếu có e-mail cá nhân của người đó” khi còn làm việc cho NSA. Một số quan chức Mỹ khi đó đã bác bỏ tuyên bố này.

Nhà Trắng lên tiếng

Phản ứng trước thông tin trên, NSA đã thừa nhận sự tồn tại của chương trình nhưng bác bỏ nhận định rằng việc thu thập thông tin tình báo của họ diễn ra “tùy tiện và không bị giới hạn”. Theo NSA, XKeyscore là “một phần của hệ thống thu thập thông tin tình báo nước ngoài đang hoạt động hợp pháp”.

Tương tự, Nhà Trắng cũng khẳng định chỉ một số chuyên gia tình báo đặc biệt mới được sử dụng chương trình XKeyscore và hàng loạt biện pháp kiểm tra, giám sát được áp dụng để ngăn chặn nguy cơ chương trình này bị lạm dụng. Người phát ngôn Nhà Trắng, ông Jay Carney, cho biết: “Như chúng tôi và cộng đồng tình báo đã giải thích, những cáo buộc rằng dữ liệu của NSA được sử dụng một cách không hạn chế, không bị kiểm soát là không đúng sự thật”.

Theo The Guardian, những tiết lộ mới nhất nói trên chắc chắn sẽ làm gia tăng những cuộc tranh luận của công chúng và tại quốc hội Mỹ về những chương trình theo dõi của NSA. Thông tin trên được đưa ra vào thời điểm các quan chức tình báo hàng đầu Mỹ ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện về việc liệu những cơ quan tình báo phạm luật hay không.

Theo Người Lao động

Theo Người Lao động

Bạn có thể quan tâm