Mỹ sẽ có nữ bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên?
Với sự ra đi của nhiều quan chức đương nhiệm, ông Obama sẽ phải chọn lựa ra nhiều nhân vật thay thế cho nội các mới của mình, trong đó có thể có sự góp mặt của một nữ bộ trưởng Quốc phòng.
Niềm vui sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chưa lâu, ông Obama hiện đau đầu chọn nội các mới. |
Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2, ông Obama nhiều khả năng mất đi các cộng sự chủ chốt và quan trọng như Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta.
Trước đó, Ngoại trưởng Hillary từng nhiều lần bày tỏ ý định muốn rút lui khỏi chính trường, sau khi mãn nhiệm vào tháng 1/2013, quay về với cuộc sống riêng tư bình lặng, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bản thân sau nhiều năm xông pha, xây dựng sự nghiệp chính trị.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ mới đây, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Victoria Nuland cũng vừa tái khẳng định, kế hoạch rút lui khỏi Chính phủ Obama của bà Hillary sẽ không có gì thay đổi.
“Tôi không cho rằng, kế hoạch của Ngoại trưởng có sự thay đổi. Tôi từng nhiều lần nghe bà ấy nói về ý định tìm người kế vị và sau đó, sẽ rút lui, quay trở lại với cuộc sống bình thường, dành thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, suy ngẫm và viết lách hay nhiều việc khác”, bà Victoria Nuland cho hay.
Tuy nhiên, sau những nỗ lực đáng kể để giúp ông Obama vận động tranh cử trong suốt thời gian bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua của cựu Tổng thống Bill Clinton, nhiều người cho rằng, Ngoại trưởng Mỹ có thể sẽ chạy đua vào Nhà Trắng vào năm 2016.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng có khả năng sẽ có sự thay đổi về nhân sự ở Nhà Trắng với một vài nhân vật cấp cao có thể sẽ phải ra đi hoặc được điều chuyển sang các công tác khác.
Những người kế vị sáng giá
Nhiều lời đồn đang nổi lên xung quanh nhân vật sẽ thay thế Ngoại trưởng Hillary trong đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Susan Rice, từ lâu được xem là ứng cử viên nặng ký nhất.
Bà Susan Rice, người kế nhiệm sáng giá của Ngoại trưởng Hillary. |
Trong những năm qua, bà Rice đã thiết lập quan hệ gần gũi, thân cận đồng thời cũng là một trong những đồng sự đắc lực của Tổng thống Obama. Nếu lời đồn trở thành hiện thực, bà sẽ là người phụ nữ Mỹ gốc Phi thứ 2 đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ trong lịch sử sau cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice, thời Bush. Bà Susan Rice nổi tiếng là một nữ đại sứ quyết đoán và không ngại bất cứ khó khăn, thử thách nào.
Ngoài ra, một ứng viên tiềm năng khác là ông John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, người vừa tăng mạnh uy tín đối với Tổng thống Obama sau khi đóng vai Mitt Romney trong các cuộc tranh luận diễn tập của ông chủ Nhà Trắng trước các cuộc tranh luận tổng thống.
Trong khi vấn đề ai sẽ là người kế nhiệm Ngoại trưởng Hillary vẫn chưa ngã ngũ thì trong một bài báo đăng trên tờ Kommersant của Nga tiết lộ, Moscow muốn Kerry trở thành người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ hơn. Lý do là do bà Rice là người có lập trường cứng rắn về cuộc khủng hoảng Syria.
“Sẽ khó khăn hơn để Moscow hợp tác với Washington nếu bà Rice trở thành Ngoại trưởng Mỹ”, một quan chức Nga giấu tên cho biết.
Trong khi đó, theo nguồn tin nội bộ, Chánh văn phòng Nhà Trắng Jacob Lew, một chuyên gia về ngân sách, là ứng viên tiềm năng cho chức bộ trưởng Tài chính của ông Geithner.
Ông Jacob Lew, người kế vị sáng giá Bộ trưởng Tài chính, Geithner. |
Còn người kế vị tiềm năng của Bộ trưởng Quốc phòng Panetta được nhiều người nhắc đến hiện nay nhất là bà Michele Flournoy, người từng giữ chức Thứ trưởng Chính sách Quốc phòng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama. Nếu Michele Flournoy thực sự được bổ nhiệm vào vị trí này, bà sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức bộ trưởng Quốc phòng trong lịch sử nước Mỹ.
Bà Michele Flournoy có thể trở thành nữ bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. |
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, bà Flournoy không nên được bổ nhiệm cho chức vụ này mà thay vào đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter mới nên là người được lựa chọn.
Ngoài ra, việc Tổng thống Obama tuyên bố muốn cùng ngồi bàn luận với đối thủ Mitt Romney về cách để đưa nước Mỹ tiến lên phía trước cũng làm dấy lên đồn đoán, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa vừa thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng có thể được bổ nhiệm một vị trí trong chính quyền Obama. Vị trí tiềm năng dành cho ông Romney là chức Bộ trưởng Thương mại.
Obama chọn châu Á là điểm đến đầu tiên trong nhiệm kỳ mới
Nhà Trắng hôm qua tuyên bố, Tổng thống Obama sẽ công du châu Á trong 4 ngày bắt đầu từ 17/11 tới. Theo đó, ông chủ Nhà Trắng sẽ đến thăm Thái Lan, Myanmar và Campuchia.
Trong đó, chuyến công du tới Myanmar của ông Obama đánh dấu sự kiện lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đang tại nhiệm đến thăm quốc gia này. Quan hệ Mỹ - Myanmar gần đây đang được hâm nóng sau khi Washington quyết định nới lỏng các biện pháp trừng phạt mà họ áp dụng với quốc gia Đông Nam Á nhằm khuyến khích nước này cải cách.
Trong khi đó, công du Thái Lan, Tổng thống Mỹ sẽ gặp gỡ Thủ tướng Yingluck Shinawatra tại Thủ đô Bangkok, để kỷ niệm 180 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước cũng như "tái khẳng định sức mạnh của liên minh của chúng tôi", Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney Carney cho biết. Ngoài ra, ông Obama sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong suốt thời gian lưu lại Thủ đô Phnom Penh, theo sau chuyến công du Campuchia.
“Trong chuyến công du tới khu vực châu Á lần này, ông ấy sẽ thảo luận về một loạt vấn đề bao gồm hợp tác kinh tế; tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn nữa nhờ tăng cường quan hệ đối tác và thương mại; thúc đẩy hợp tác an ninh và năng lượng; chia sẻ các giá trị và các vấn đề quan tâm chung khác trong khu vực và trên toàn cầu”, ông Carney nhấn mạnh.
Chuyến thăm châu Á sắp tới sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông chủ Nhà Trắng sau khi vừa giành chiến thắng ngoạn mục trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 6/11 vừa qua.
Phương Đăng
Theo Infonet