“Nếu Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân, sẽ có một số dấu hiệu cho các nước khác nhận biết - đặc biệt là Mỹ, Anh, Pháp và các đồng minh NATO khác - để đề phòng”, tiến sĩ Benjamin Zala, nhà nghiên cứu tại khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia Australia, chia sẻ với Zing.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo sẽ sử dụng các loại vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ lãnh thổ và người dân Nga hay khi nước Nga bị đe dọa, theo TASS.
Hôm 21/9, Tổng thống Putin nhắc lại lời cảnh báo phương Tây rằng nếu các nước này tiếp tục "hành vi đe dọa hạt nhân", Moscow sẽ đáp trả bằng sức mạnh toàn bộ kho vũ khí khổng lồ của mình.
Trả lời Zing, ông Pavel Podvig, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị Liên Hợp Quốc, cho rằng: “Việc Nga đề cập đến vũ khí hạt nhân chỉ được đưa ra như một lời đe dọa đáp trả khi phương Tây tấn công Nga hoặc tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột (tại Ukraine)”.
Hôm 30/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sẽ bảo vệ đất nước bằng tất cả lực lượng và phương tiện. Ảnh: Sputnik. |
Tình hình trong tầm kiểm soát
Một báo cáo năm 2017 của Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị Liên Hợp Quốc cho thấy có 47 cơ sở lưu trữ hạt nhân trên khắp nước Nga, bao gồm 12 cơ sở cấp quốc gia và 35 cơ sở địa phương, theo AFP.
Toàn bộ các cơ sở này đều được giám sát liên tục bởi các vệ tinh tình báo và quân sự của Mỹ cùng nhiều quốc gia khác. Các cơ sở này thậm chí có thể theo dõi qua các vệ tinh thương mại, tương tự với hình ảnh được cập nhật thường xuyên về hoạt động tại các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.
Ngoài việc các kho vũ khí này vẫn được giám sát chặt chẽ, các chuyên gia nhận định rằng trong trường hợp chúng được triển khai, Mỹ và NATO vẫn sẽ dự đoán trước được.
Tiến sĩ Benjamin Zala, nhà nghiên cứu tại khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia Australia. Ảnh: Đại học Quốc gia Australia. |
Tiến sĩ Zala cho biết để có thể triển khai vũ khí hạt nhân, Nga cần tiến hành một loạt hành động “như chuyển tên lửa tầm xa đang được cất giữ lên xe tải, di chuyển máy bay ném bom có khả năng chứa vũ khí hạt nhân tới các căn cứ không quân gần mục tiêu hơn và cung cấp nhiên liệu cho chuyến bay".
"Đồng thời, họ phải sơ tán người dân Nga khỏi một khu vực có khả năng bị tấn công”, ông nói.
Ngoài ra, ông Podvig cho rằng chính Nga cũng không thể chắc chắn rằng các hành động không bị phát hiện. "Bạn không bao giờ biết ai đang theo dõi bạn. Đó có thể là thu thập thông tin tình báo bằng tín hiệu (SIGINT) hoặc một người nào đó có ống nhòm trên ngọn đồi gần đó đang quan sát”.
Ông cũng nhấn mạnh Mỹ và NATO từng thực hiện các kịch bản này trong nhiều cuộc tập trận.
Tuy nhiên, vị chuyên gia của Liên Hợp Quốc nhận định nếu tình huống không hay như trên xảy ra, chính Moscow cũng muốn quá trình này được các nước chú ý đến.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 25/9 đã cảnh báo Nga sẽ đối mặt với hậu quả nếu Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine. Dù vậy, ông không nói rõ những hậu quả đó sẽ liên quan đến kinh tế, quân sự hay ngoại giao.
Cùng thời gian đó, các quan chức Mỹ cho biết họ vẫn chưa thấy bất kỳ chuyển động nào trong kho dự trữ 2.000 vũ khí hạt nhân của Nga, New York Times đưa tin.
Ông Pavel Podvig, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị Liên Hợp Quốc. Ảnh: Trung tâm Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân Vienna. |
Ông Podvig nhận định rằng những cảnh báo như trên cũng là điều tất nhiên xảy ra trong trường hợp Mỹ nhận thấy những động thái sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga.
Ông cũng nói thêm: “Không có gì có thể ngăn chặn điều đó (việc Nga dùng vũ khí hạt nhân) ngoài việc huy động cộng đồng quốc tế lên án những hành vi sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Tôi tin rằng sẽ là một sai lầm lớn nếu Mỹ can dự vào cuộc xung đột hạt nhân này”.
Theo ông Zala, việc Mỹ quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân hay không phụ thuộc vào ba yếu tố. Đầu tiên là liệu Mỹ có cảm thấy có lợi thế quân sự khi làm như vậy hay không.
Thứ hai là liệu người Mỹ có cảm thấy việc không đáp trả sẽ làm suy yếu khả năng ngăn chặn các mối đe dọa trong tương lai, bao gồm cả các mối đe dọa đối với nước Mỹ hay không.
Thứ ba là tính toán của Washington về khả năng leo thang xung đột hơn nữa, đặc biệt là xung đột hạt nhân toàn diện giữa hai bên, ông nói với Zing.
Nga tính toán kỹ lưỡng
“Khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân là khá thấp, nhưng cũng không thể chủ quan. Một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Nga sẽ tính toán rất kỹ lưỡng về khả năng đối thủ đáp trả trước khi tấn công”, tiến sĩ Benjamin Zala chia sẻ với Zing.
Các quan chức cấp cao Nga cũng nhiều lần ám chỉ khả năng dùng vũ khí hạt nhân trong trường hợp khẩn cấp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong chuyến thăm Viện nghiên cứu Khoa học và Hạt nhân Kurchatov ở Moscow, Nga vào tháng 4/2018. Ảnh: Điện Kremlin. |
Ngày 27/9, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng tuyên bố Moscow có quyền tự vệ bằng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công.
“Nếu chúng tôi hoặc đồng minh bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, Nga có quyền sử dụng loại vũ khí hạt nhân nếu cần thiết, dựa trên các tình huống đã được xác định từ trước, tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc cơ bản của chính sách quốc gia trong lĩnh vực răn đe hạt nhân”, ông Medvedev nói.
Hôm 2/10, ông Ramzan Kadyrov, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, đề nghị Moscow cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp ở Ukraine. Dù vậy, mọi quyết định vẫn nằm trong tay Tổng thống Putin và cách ông đánh giá mối đe dọa đối với chủ quyền lãnh thổ của Nga, theo Eurotiv.
Đến nay, hầu hết chính trị gia và chuyên gia phương Tây vẫn tỏ ra nghi ngờ trước khả năng Nga thực sự dùng vũ khí hạt nhân tại Ukraine, song không ai bác bỏ hoàn toàn.
Mới đây, chính quyền Tổng thống Biden cho biết Mỹ đang tích cực theo dõi mọi khía cạnh xung đột ở Ukraine. Trong trường hợp tình báo Mỹ phát hiện Nga đang đưa đầu đạn hạt nhân ra khỏi kho và nâng mức độ sẵn sàng chiến đấu, giới hoạch định chính sách của Mỹ sẽ buộc phải đưa ra các quyết định quân sự tiến gần đến bờ vực chiến tranh hạt nhân, theo Washington Post.
“Điều chúng ta cần làm là xem xét thật nghiêm túc, theo dõi những dấu hiệu của sự chuẩn bị trên thực tế. Đây là vai trò của các nhà hoạch định chính sách”, Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns trả lời CBS.
Bên cạnh đó, quan chức này cho biết hiện vẫn chưa có bằng chứng về khả năng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine và nhấn mạnh nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng sẽ dẫn tới những hậu quả trực tiếp nặng nề.
Đoạn phim do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp vào tháng 2, cho thấy tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars đang được phóng trong cuộc tập trận quân sự. Ảnh: AP. |
Tiến sĩ Zala cũng đồng tình rằng trong trường hợp Mỹ có động thái quân sự đáp trả lại hành động hạt nhân của Nga, “đó sẽ là một kịch bản rất nguy hiểm”.
“Việc Mỹ hay NATO can dự trực tiếp vào cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ là một cái cớ để Nga cho rằng phương Tây đã vượt lằn ranh đỏ và giải quyết các mối đe doạ bằng vũ khí hạt nhân. Và điều đó sẽ đi kèm với một nguy cơ rất lớn, leo thang đến một cuộc xung đột chiến lược quy mô lớn với những hậu quả thực sự thảm khốc”, ông Zala nói với Zing.