Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, để lại hàng trăm nghìn tấn phế liệu

Người dân Afghanistan mong muốn quân đội Mỹ bán lại thiết bị, thay vì phá hủy chúng và để lại hàng trăm nghìn tấn phế liệu khi họ chuẩn bị rút quân về nước.

Những hành động mà chính quyền Mỹ cho là cần thiết hoặc có lợi đang khiến nhiều người dân Afghanistan vỡ mộng, theo AP.

Baba Mir, một người buôn bán phế liệu ở Bagram, Afghanistan tiếc rẻ nhìn bãi phế liệu ngổn ngang những thiết bị quân sự của Mỹ đã bị phá hủy. Những gì còn lại từng là máy phát điện, xích xe tăng, lều dã chiến. Chúng đã bị quân đội Mỹ phá hủy trong quá trình chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan, AP cho biết.

Phá hủy thiết bị trước khi rời đi

Quân đội Mỹ đang gấp rút tháo dỡ căn cứ không quân ở Bagram, tiền đồn lớn nhất của Mỹ ở Afghanistan. Bất cứ thứ gì không được vận chuyển về nước hoặc bàn giao cho quân đội Afghanistan, đều bị phá hủy, ngay cả những tiền đồn nhỏ nhất cũng bị san phẳng.

Người Mỹ coi phương án này một biện pháp cẩn trọng, nhằm đảm bảo những thiết bị còn lại không rơi vào tay phiến quân. Nhưng ông Mir và hàng chục người buôn phế liệu khác ở Bagram coi hành động đó là “một sự lãng phí đáng tức giận”.

“Những gì họ đang làm là bỏ rơi người dân Afghanistan. Khi họ phá hủy chiếc xe này, cũng giống như họ đang phá hủy chúng tôi”, ông Mir nói với AP.

Khi quân đội Mỹ và NATO chuẩn bị kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm ở Afghanistan, họ đang thực hiện hoạt động hậu cần lớn, đóng cửa các căn cứ trên khắp đất nước. Họ để lại phía sau sự thất vọng và tức giận của người Afghanistan.

My ket thuc cuoc chien o Afghanistan anh 1

Người Mỹ phá hủy mọi thứ mà họ không thể mang về nước. Ảnh: AP.

Tại căn cứ Bagram, hàng chục container loại 6 m đang được vận chuyển về Mỹ bằng máy bay vận tải C-17, hoặc bằng đường bộ qua Pakistan và Trung Á. Tính đến tuần trước, 60 chiếc C-17 với đầy đủ thiết bị đã rời khỏi Afghanistan.

Giới chức Mỹ đang giữ bí mật về những gì để lại và mang về nước. Theo các quan chức Mỹ và phương Tây giấu tên, những gì đang được vận chuyển về nước là thiết bị nhạy cảm. Các thiết bị khác như trực thăng, xe quân sự, vũ khí hạng nhẹ và đạn dược sẽ bàn giao cho quân đội Afghanistan.

Một số căn cứ cũng được bàn giao cho quân đội chủ nhà, đơn cử là căn cứ New Antonik ở tỉnh Helmand, nơi Taliban được cho là kiểm soát khoảng 80% khu vực nông thôn.

Cho đến nay, khoảng 1.300 thiết bị đã bị phá hủy, quân đội Mỹ cho biết trong một tuyên bố. Một quan chức Mỹ cho biết thêm sẽ còn nhiều thiết bị khác bị phá hủy cho đến khi Mỹ chính thức rút quân vào ngày 11/9.

Để lại rác cho Afghanistan

Người Afghanistan cảm thấy họ bị bỏ rơi trước di sản tồi tệ mà người Mỹ có một phần lỗi trong đó. Một chính phủ do Mỹ hậu thuẫn tham nhũng tràn lan và sự bất ổn xã hội ngày càng tăng có thể bùng phát thành nội chiến.

Sự cay đắng của các chủ bãi phế liệu chỉ là một phần trong đó và dựa trên sự tư lợi. Họ cảm thấy có thể kiếm được nhiều tiền hơn việc bán thiết bị nguyên vẹn. Đó là chủ đề phổ biến trong hai thập kỷ qua.

Việc Mỹ phá hủy thiết bị trước khi rời đi không phải là điều mới. Họ đã làm điều tương tự năm 2014, khi hàng nghìn binh sĩ Mỹ và NATO rút quân, bàn giao việc đảm bảo an ninh của Afghanistan cho người Afghanistan.

My ket thuc cuoc chien o Afghanistan anh 2

Các bãi phế liệu trên khắp Afghanistan tràn ngập các thiết bị của Mỹ bị họ phá hủy trước khi rút quân. Ảnh: AP.

Khoảng 176.000 tấn phế liệu từ thiết bị chiến đấu và phương tiện bị phá hủy đã được bán cho người Afghanistan với giá 46,5 triệu USD, một phát ngôn viên của Cơ quan Hậu cần Quốc phòng Mỹ cho biết ở thời điểm đó.

Tháng trước, trùng với khoảng thời gian Tổng thống Joe Biden tuyên bố nước Mỹ sẽ kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan, ông Mir đã trả 40.000 USD cho một container 70 tấn phế liệu.

Ông sẽ kiếm được một ít tiền từ đống phế liệu, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì ông kiếm được nếu chúng còn nguyên vẹn, ngay cả khi thiết bị đã hỏng hóc và không thể vận hành.

Ông Mir nói với AP rằng những phụ tùng ôtô sẽ được bán cho các cửa hàng sửa chữa trên khắp đất nước.

Sadat, một đại lý phế liệu ở Bagram, cho biết các bãi phế liệu trên khắp Afghanistan chứa đầy những mảnh vụn do lực lượng Mỹ phá bỏ thiết bị.

“Họ không để lại gì cho chúng tôi, họ không tin tưởng chúng tôi”, ông Sadat nói.

Một quan chức phương Tây quen thuộc quá trình rút quân của Mỹ cho biết quân đội Mỹ phải đối mặt với tình huống khó xử khi xử lý số thiết bị không thể chuyển đi. Trước đó, họ phát hiện 2 chiếc xe thiết giáp Humvee lọt vào tay đối thủ.

Chúng được trang bị lại và cài chất nổ bên trong, gây tổn thương cho binh sĩ Mỹ. Điều này đã củng cố chính sách phá hủy mọi thứ không thể mang đi của quân đội Mỹ trước khi rút quân.

Tuy vậy, việc phá hủy thiết bị này có phần cực đoan. Bên cạnh việc các thiết bị như xe cộ, máy phát điện, bị phá hủy, những chiếc lều ngủ dã chiến, bao đựng cát chắn gió cũng bị cắt vụn. Trong khi những thiết bị này nếu còn nguyên vẹn có thể giúp ích cho cuộc sống của người dân Afghanistan.

“Họ đang để lại cho chúng tôi rác thải của họ. Chúng tôi sẽ làm gì với đống phế liệu này”, Hajji Gul, một người buôn phế liệu nói.

37 nữ sinh chết vì đánh bom ở Afghanistan được chôn cất trên đỉnh đồi

Hàng chục nữ sinh đã được chôn cất tại một nghĩa trang trên đỉnh đồi hoang vắng ở Kabul, một ngày sau khi vụ tấn công đẫm máu nhất ở Afghanistan trong hơn một năm qua.

Khởi đầu cho kết thúc cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan

Việc rút quân Mỹ và NATO chính thức bắt đầu vào ngày 1/5, với trọng tâm là việc đảm bảo an toàn cho các binh sĩ.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm