Trước khi Thượng viện phê chuẩn các đề cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể trở thành người đứng đầu một nội các có đông tướng lĩnh về hưu nhất kể từ thời Tổng thống Harry S. Truman, nhiệm kỳ 1945 - 1953.
Ông Truman cũng là một cựu quân nhân, Bộ trưởng Chiến tranh (vẫn là chức danh độc lập với bộ trưởng quốc phòng cho đến trước năm 1947) Kenneth Claiborne Royall từng là tướng trong lục quân, còn Tướng George Marshall thì chuyển từ Bộ Quốc phòng sang lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Trong quá khứ, một chính phủ đông tướng quân sự thường ở giai đoạn hậu nội chiến, điển hình như chính quyền của Tổng thống Ulysses S. Grant (nhiệm kỳ 1869 - 1877). Bản thân ông Grant cũng là một vị tướng, tương tự với bộ trưởng chiến tranh, bộ trưởng hải quân và phó tổng thống của ông.
Như vậy, để "vượt qua" ông Grant thì Trump cần bổ nhiệm thêm 2 bộ trưởng khác là quan chức quân sự nghỉ hưu.
Ông Trump và tướng Mattis, ứng viên chức bộ trưởng quốc phòng. Ảnh: AP. |
Cho đến nay, Trump đã chọn tướng James Mattis vào chức bộ trưởng quốc phòng, tướng John Kelly là bộ trưởng an ninh nội địa.
Bên cạnh đó, Trump cũng chọn tướng Mike Flynn là cố vấn an ninh quốc gia. Đây không phải là vị trí trong nội các nhưng chính là người cố vấn thân cận nhất để thường xuyên trao đổi với tổng thống.
Thời gian gần đây, ông đã gặp gỡ tướng David Petraeus vốn là cựu giám đốc CIA. Petraeus được cho là ứng viên cho chức bộ trưởng ngoại giao. Nếu chuyện này trở thành sự thật thì đây là lần đầu tiên vai trò lãnh đạo ở Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đều cùng do một vị tướng 4 sao đảm nhiệm.
Tiền lệ mới?
Ba đời tổng thống trước Trump đều chọn rất ít tướng lĩnh tham gia nội các. Ed Lengel, sử học gia hàng đầu của Hiệp hội các vấn đề lịch sử của Nhà Trắng, nói với ABC News rằng: "Việc Trump bổ nhiệm nhiều tướng quân sự về hưu hoặc mới nghỉ hưu gần đây khá bất thường. Ông có thể lập nên tiền lệ mới khi bổ nhiệm đông tướng, tá vào các vị trí trong chính phủ".
Chuyện đề cử tướng Mattis đặt ra một tình huống khác là quốc hội sẽ phải thông qua để cho phép một người rời quân ngũ chưa đủ 7 năm để trở thành lãnh đạo tại Lầu Năm Góc. Trên thực tế, việc Trump chọn vị tướng có biệt danh "chó điên" lại được tán đồng cao.
Tướng Petraeus chuyển cờ cho tướng Mattis trong lễ bàn giao quyền tư lệnh ở Afghanistan năm 2011. Ảnh: AP.
|
"Các vị tướng đều chứng kiến những hệ thống lớn vận hành từ cấp cao xuống thấp như thế nào. Họ đặc biệt nhạy cảm với các vấn đề hành pháp. Họ không chỉ dũng cảm về thể chất mà cả đạo đức, cho nên họ luôn sẵn sàng lên tiếng", tướng Wesley Clark, cựu tư lệnh NATO, nói.
Cựu phó tổng tham mưu trưởng liên quân Joseph Ralston khẳng định: "Tướng Mattis có tinh thần đạo đức tuyệt vời. Ông rất được kính trọng ở Trung Đông. Chúng ta rất cần sự hỗ trợ ở khu vực này. Ông cũng có nhiều kinh nghiệm về NATO. Đây thực sự là người chúng ta cần trong thời điểm này".
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Adam Smith, thành viên cấp cao trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện, muốn tổ chức phiên điều trần đặc biệt về lý do đặc cách cho tướng Mattis. "Vấn đề ở đây là khối dân sự và quân sự sẽ có quan điểm khác nhau. Chúng ta cần một cách tiếp cận cân bằng trong chính sách đối ngoại", ông Smith nói.
Gordon Adams, cựu quan chức Nhà Trắng và hiện là giảng viên trường American University nói: "Trump có thể đi ngược lại truyền thống. Tướng Mattis là một tư lệnh xuất sắc nhưng chưa bao giờ là người xây dựng chính sách. Việc họ cởi bỏ quân phục không có nghĩa là trở thành thường dân ngay lập tức".
Cần cân bằng về chính sách
Nhiều ý kiến lo ngại việc quá nhiều tướng nắm các vị trí chủ chốt trong chính quyền có thể làm suy yếu quan điểm hiến pháp là lực lượng dân sự kiểm soát chính phủ và quân đội.
Họ cũng lo ngại Trump sẽ thể hiện một góc nhìn về chính sách ngoại giao và quốc phòng thông qua lăng kính quân sự, thay vì ngoại giao truyền thống hoặc những yếu tố quốc gia khác. Đây là điều đặc biệt nguy hiểm đối với một chính quyền mà tổng thống không có kinh nghiệm chính trị.
Báo Business Insider bình luận các lựa chọn bộ trưởng của Trump có thể tạo ra "một cuộc hội ngộ trong Nhà Trắng". Tướng Mattis (đứng bên trái) và tướng Kelly (ngồi ngoài cùng bên trái) đều từng tham gia chiến trường Iraq. Ảnh: US Marine Corps.
|
"Những gì chúng ta học được trong 15 năm qua là chúng ta sẽ phạm sai lầm lớn khi nhìn các vấn đề thế giới qua góc nhìn quân sự", Thượng nghị sĩ Chris Murphy, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói trên Washington Post.
William Perry, cựu bộ trưởng quốc phòng dưới thời Tổng thống Bill Clinton, hoan nghênh tướng Mattis là "một lựa chọn khôn ngoan" của Trump. Nhưng ông nói "sẽ không khuyến khích việc chọn một tướng về hưu làm bộ trưởng quốc phòng".
Ông Perry cũng lo ngại khả năng tướng Petraus được bổ nhiệm. "Tôi không nghĩ đó là chuyện tốt khi hai vị bộ trưởng hàng đầu đều là tướng lĩnh. Tôi chắc chắn không bao giờ ủng hộ điều này", ông nói với Politico.
Trong khi đó, Thiếu tướng Charles Dunlap, cựu quan chức không quân, khẳng định trên Vox rằng chính các đồng đội của ông sẽ giúp Trump thoát khỏi chiến tranh, chứ không phải đẩy nước Mỹ vào xung đột mới.
Theo tướng Dunlap, "các vị tướng là người đầu tiên chứng kiến những hoàn cảnh kinh hoàng nhất ở chiến trường, chứng kiến cảnh binh sĩ của họ được đem chôn còn những đồng đội khác thì trở về nhà với các vết thương thể chất và tinh thần".
Tướng Dunlap khẳng định: "Những vị tướng nghỉ hưu sẽ không ủng hộ chiến tranh. Họ sẽ nỗ lực huy động những nguồn lực khác trước khi bắt buộc phải sử dụng đến vũ lực".
Sau tất cả những đề cử của Trump, cửa chốt chặn cuối cùng chính là việc phê chuẩn của Thượng viện. Nếu các ý kiến lo ngại của Thượng viện trở nên áp đảo thì các tính toán của Trump sẽ khó trở thành hiện thực.