South China Morning Post hôm 2/4 dẫn lời các chuyên gia an ninh khu vực cho biết Mỹ và Philippines đang thảo luận khả năng triển khai Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) nhằm răn đe các hoạt động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tướng James McConville, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, hồi tháng 3 cho biết chưa có kế hoạch chính thức nào về việc triển khai tên lửa tầm xa tại khu vực, tuy nhiên khẳng định các đối tác của Mỹ tại Thái Bình Dương "đang thảo luận cởi mở" về vấn đề này.
Hệ thống tên lửa HIMARS của Mỹ. Ảnh: AP. |
Ông Patrick Cronin, cựu giám đốc trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc gia tại Đại học Quốc phòng Mỹ, cho biết HIMARS và các loại tên lửa khác đang được cân nhắc cho hoạt động diễn tập tại khu vực, cũng như xem xét khả năng triển khai nhằm gia tăng năng lực răn đe của các đối tác của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Ông Cronin cũng khẳng định lực lượng vũ trang Philippines "rất quan tâm" tới loại vũ khí này do hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại các tiền đồn trên Biển Đông.
"HIMARS tốt nhất nên được sử dụng nhắm vào các mục tiêu cố định, ví dụ như các đảo nhân tạo", ông Cronin nhận xét.
Collin Koh Swee Lean, chuyên gia an ninh hàng hải từ Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho biết HIMARS có thể được triển khai tại một số vị trí như Palawan của Philippines, hoặc đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (đảo Thị Tứ hiện bị Philippines chiếm đóng trái phép).
HIMAR là hệ thống phóng tên lửa đa nòng hạng nhẹ, có thể phóng cùng lúc 6 hỏa tiễn hoặc 1 tên lửa chiến thuật đất đối đất, với tầm bắn tối đa 300 km. Nếu được triển khai, HIMARS, với các tên lửa dẫn đường tầm xa có độ chính xác cao, có khả năng tấn công các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng và tôn tạo bất hợp pháp.
Từ Palawan, HIMARS có thể phóng tên lửa tấn công các công trình nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép tại đá Vành Khăn thuộc Trường Sa. Trong khi đó, tên lửa phóng đi từ đảo Thị Tứ có thể gây thiệt hại cho các cơ sở của Trung Quốc tại đá Subi.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định hai bên chưa đạt được thỏa thuận về triển khai HIMARS tại Philippines do chi phí đắt đỏ của hệ thống này, trong bối cảnh Philippines có ngân sách quốc phòng eo hẹp.
"Các nước Đông Nam Á thường cẩn trọng trong việc triển khai các hỏa lực như vậy. Họ quan tâm hơn tới hỗ trợ về mua bán vũ khí từ Mỹ", Song Zhongping, chuyên gia quân sự từ Hong Kong, nhận xét. Mỗi hệ thống HIMARS có giá trị khoảng 12 triệu USD.
Các công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Inquirer. |
Trong khi đó, Derrick Cheng, phát ngôn viên quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, từ chối bình luận chi tiết về bất cứ "hoạt động hoặc chiến dịch nào liên quan tới triển khai binh lính và thiết bị của quân đội Mỹ trong tương lai".
Trung Quốc được cho đã hoàn thành lắp đặt tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không tại 3 thực thể gồm đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn do nước này chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong cuộc đối thoại cấp cao về an ninh tại Washington tháng 11/2018, Bắc Kinh đã bác bỏ yêu cầu của Mỹ về việc dỡ bỏ các hệ thống tên lửa này.