Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ phát triển thiết bị dò đai đánh bom liều chết

Quân đội Mỹ đang phát triển phiên bản mới của một thiết bị có thể phát hiện đai gắn bom liều chết giấu quanh người ở khoảng cách 100 m.

Một đai bom mà những tên khủng bố đánh bóm liều chết thường đeo quanh người. Ảnh: Sputnik

Theo trang Defense One, Cơ quan thống nhất về đấu tranh chống các thiết bị nổ tự chế của Bộ Quốc phòng Mỹ (JIDA) vừa ra mắt một thiết bị tổ hợp cảm biến mới mang tên “Hệ thống phát hiện kẻ đánh bom tự sát” (SSBDS).

SSBDS là một tập hợp các thiết bị cảm biến đo bức xạ trong vùng ánh sáng hồng ngoại có bước sóng trung và bước sóng dài, cũng như các bước sóng ở tần terahertz. Ngoài ra, thiết bị còn được lắp một camera nhạy cảm với ánh sáng.

Bức xạ terahertz thực tế không gây nguy hiểm đến các mô của con người bằng tia X-quang bởi nó có năng lượng thấp và không ion hóa. Nó được sử dụng một phần trong các ứng dụng bảo mật từ năm 2004.

JIDA thử nghiệm thiết bị này vào ngày 17/11 tại căn cứ quân sự Fort Belvoir, bang Virginia. Khi hướng SSBDS vào một người, hệ thống hiển thị hình ảnh gồm 3 loại: màu đen và trắng nổi hạt, đó là cảm biến hồng ngoại; màu cam sáng là bức xạ terahertz; và một hình ảnh bình thường chụp bằng máy ảnh.

Nếu phát hiện người đeo đai bom, thiết bị không phát ra tiếng kêu báo hiệu mà thể hiện sự khác biệt trên hình ảnh. Khu vực có đai bom sẽ hiển thị các đốm hoặc sọc tối màu tại nơi thông thường phải có màu trắng hoặc cam.

SSBDS ra đời phiên bản đầu tiên và từng được thử nghiệm tại một căn cứ ở Afghanistan vào năm 2012. Tuy nhiên, ở phiên bản mới này, nó được tích hợp bộ cảm biến tiên tiến chụp hình ảnh siêu quang phổ. Ngoài ra, việc trang bị thêm camera hồng ngoại không chỉ giúp phát hiện những bất thường qua các đốm đen mà còn cho thấy chất nổ. SSBDS còn có thể phát hiện đai bom giấu dưới nhiều chất liệu khác nhau như áo khoác, áo sơ mi.

Chi phí để sản xuất một thiết bị cảm biến phát hiện đai bom khoảng một triệu USD. Tuy nhiên, giá thành có thể giảm khi được đưa vào sản xuất đại trà. SSBDS có kích thước khoảng 1 m. Vì vậy, chúng không phải thiết bị cầm tay mà sẽ được đặt tại nhà ga xe lửa, sân vận động hoặc nhà hát.

Trong vụ khủng bố đẫm máu ở Paris hôm 13/11, 7 trong 8 kẻ tấn công chết do chúng tự kích hoạt khối thuốc nổ quanh người. Hồi tuần trước, khi cảnh sát Pháp thực hiện chiế​n dịch vây bắt khủng bố ở khu vực Saint-Denis, một tên khủng bố cũng tự cho nổ bom khiến hai người thiệt mạng, bao gồm một phụ nữ.

Ban đầu, cảnh sát cho rằng người phụ nữ kích nổ đai bom. Tuy nhiên, sau đó một nguồn tin trong lực lượng cảnh sát Pháp tiết lộ, nữ khủng bố chết do một nam giới đứng sát cô ta kích nổ bom khi lực lượng cảnh sát tìm cách tiến vào căn hộ.

Loại vũ khí đánh bom tự sát này xuất hiện ngày càng nhiều ở các nước phương Tây và nhiều phần tử cực đoan sẵn sàng liều chết khiến cuộc chiến chống khủng bố trở nên khó khăn.

IS biến búp bê thành vũ khí giết người

Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) giấu thuốc nổ vào bên trong nhiều búp bê rồi đặt chúng trên tuyến đường hành hương của tín đồ Hồi giáo Shiite tại Iraq.

Tống Hoa

Bạn có thể quan tâm