Mỹ phá tàu chiến 277 triệu USD để cứu rặng san hô
Hải quân Mỹ đang có kế hoạch tháo dỡ chiếc tàu quét mìn trị giá 277 triệu USD bị mắc cạn trên một rặng san hô ngoài khơi Philippines bởi mọi cách thức khác đều gây thảm họa với môi trường.
Tàu quét mìn USS Guardian được đánh giá là hoàn toàn không thể phục hồi sau khi nó mắc kẹt trên một dải san hô ngoài khơi Philippines rạng sáng hôm 17/1. Tuy nhiên, việc bỏ mặc hoặc đánh đắm con tàu không được các nhà chức trách Mỹ thông qua bởi nó gây tác động nghiêm trọng tới toàn bộ hệ sinh thái dưới lòng đại dương trong khu vực.
Tàu quét mìn USS Guardian mắc kẹt ngoài khơi Philippines. |
Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, chỉ huy Darryn James cho biết: “USS Guardian có thể bị vỡ hoặc chìm nếu cố gắng kéo nó trở lại đại dương. Chúng tôi thực sự quan tâm tới việc bảo vệ môi trường. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ bờ biển, Hải quân và Chính phủ Philippines về cách thức xử lý chiến hạm USS Guardian để tránh làm thiệt hại thêm cho rặng san hô”.
Theo đó, việc cắt nhỏ các phần kim loại của USS Guardian và đưa nó ra khỏi khu vực là biện pháp mà các nhà chức trách Mỹ đã đề xướng. Chiến hạm trị giá 277 triệu USD sẽ bị cắt thành những tấm phế liệu trước khi được vận chuyển vào đất liền. Cần cẩu nổi sẽ đảm trách toàn bộ việc vận chuyển những mảnh kim loại được cắt ra từ USS Guardian.
Ngay khi chiến hạm USS Guardian mắc kẹt, các thủy thủ đã loại bỏ 57.000 lít nhiên liệu. Ngoài ra, hàng trăm lít dầu bôi trơn và sơn cũng được đưa khỏi thân tàu. Rác thải từ quá trình sinh hoạt của các thủy thủ cũng sẽ được rút khỏi chiến hạm USS Guardian để tránh gây thêm những tác động xấu tới rặng san hô.
Vị trí chiến hạm Mỹ mắc kẹt là rặng san hô Tubbataha, thuộc Công viên Biển quốc gia Philippines. Đây là một phần của di sản thế giới trên biển Sulu, nằm cách Thủ đô Manila 650 km về phía tây nam. Thiệt hại do tàu USS Guardian mắc kẹt được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ khi công viên biển này được thành lập năm 2001.
Hồng Duy
Theo Infonet