Trong một bài viết trên trang web quân sự War on the Rock, chuyên gia Robert Haddick nhận định, so với người anh em là tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21, tên lửa hành trình YJ-12 nguy hiểm hơn nhiều lần.
Trang 40 của bản báo cáo về sự phát triển quân sự và an ninh Trung Quốc năm 2014 do Lầu Năm Góc công bố gần đây chỉ ra rằng, tên lửa YJ-12 là một mối đe dọa lớn đối với các tàu chiến của Hải quân Mỹ, do tầm xa và tốc độ siêu âm của nó. Đặc biệt, YJ-12 còn được phóng từ máy bay ném bom chiến lược hiện đại H-6 của Trung Quốc.
Mỹ "ngán ngẩm" tên lửa hành trình YJ-12 của quân đội Trung Quốc. Ảnh: Globalmilitaryreview |
Theo Want China Times, bằng việc trích dẫn một nghiên cứu do Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ thực hiện vào năm 2011, ông Haddick đánh giá YJ-12 là tên lửa hành trình chống hạm có tầm bắn xa bậc nhất thế giới với khả năng vươn tới 400 km. Trong khi đó, tên lửa chống tàu Harpoon của Hải quân Mỹ chỉ đạt 124 km.
Ưu thế về tầm bắn cho phép máy bay của quân đội Trung Quốc có thể phóng tên lửa YJ-12 vượt ra ngoài phạm vi tác chiến của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis và các tên lửa đất đối không SM-2 vốn được dùng để bảo vệ các tàu sân bay của Mỹ.
Tên lửa chống hạm YJ-12 có thể trở nên nguy hiểm hơn khi chúng kết hợp với các chiến đấu cơ Su-30 và J-11 của hai trung đoàn Flanker thuộc Hải quân Trung Quốc. Với bán kính chiến đấu lên tới 1.500 km, Su-30 và J-11 của Trung Quốc có thể phóng từ 2 - 4 tên lửa YJ-12 vào mục tiêu.
Chuyên gia Haddick giả định khi xung đột xảy ra, các nhóm tàu sân bay Mỹ phải chống lại hơn 100 quả tên lửa siêu âm tiếp cận từ nhiều hướng. Trong khi đó, các hệ thống phòng không cự ly gần của nhóm tàu sân bay chỉ có chưa đầy 45 giây để phản công và bắn hạ các tên lửa của Trung Quốc.