Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ muốn đưa tên lửa đến Nhật Bản, nhưng thách thức rất lớn

Mỹ muốn triển khai tên lửa tầm trung đến châu Á để đối phó Trung Quốc, đồng thời giúp Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự, nhưng kế hoạch này gặp nhiều thách thức.

Sau khi chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Liên Xô năm 1987 vào hồi đầu tháng 8, Washington đang hy vọng tăng cường sức mạnh đối phó Bắc Kinh bằng cách lấp những "khoảng trống tên lửa" - theo cách miêu tả của những chuyên gia.

Mỹ có thể tìm đến Nhật Bản để tìm kiếm sự trợ giúp, Japan Times cho biết.

Về mặt lý thuyết, sau khi rút khỏi INF, Mỹ có thể triển khai các tên lửa tầm trung tới châu Á, tương tự việc Washington triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung để bảo vệ châu Âu những năm Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, Washington khẳng định, nếu được triển khai đến châu Á, các tên lửa sẽ không trang bị đầu đạn hạt nhân.

Sự đánh cược tốt nhất

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper  nói ông hy vọng "triển khai càng sớm càng tốt" nhưng ông thừa nhận quá trình này có thể mất vài năm để một số loại tên lửa có thể đạt được khả năng hoạt động ban đầu. Điều này là vì Mỹ hiện không có chương trình phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung trên mặt đất.

Tuy nhiên, trước khi Mỹ có tên lửa đạn đạo tầm trung trong biên chế, Washington có thể tìm đến đồng minh thân cận ở châu Á là Tokyo cho một số hình thức triển khai.

My muon dua ten lua den chau A anh 1
Ngay khi vừa rút khỏi INF, Mỹ đã thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất. Ảnh: Defense News.

“Chúng ta cần nhận thấy rằng cân bằng quân sự thông thường ở châu Á đang thay đổi. INF ra đời nhằm tìm kiếm sự ổn định chiến lược ở châu Âu, chúng ta cần xem xét điều tương tự ở châu Á”, Eric Sayers, cựu trợ lý đặc biệt của Đô đốc Harry Harris, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói.

Sayers kêu gọi các nhà hoạch định chính sách xem xét một chương trình nghị sự quốc phòng mới cho liên minh Mỹ - Nhật, nhằm tăng cường quan hệ và cạnh tranh với Trung Quốc.

Đó cũng là một sự trấn an cho Tokyo đang ngày càng cảnh giác với sức mạnh quân sự không ngừng gia tăng của Bắc Kinh.

Câu hỏi được giới phân tích quan tâm là quốc gia nào ở châu Á sẽ là nơi triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ và vì sao Nhật Bản được xem là ứng viên hàng đầu. Australia và Hàn Quốc đã công khai loại bỏ kế hoạch thảo luận với Mỹ về việc triển khai tên lửa.

Lãnh thổ ngoại quốc của Mỹ như đảo Guam, Hawaii, nơi có các căn cứ quân sự rộng lớn là một lựa chọn khác. Tuy nhiên, Nhật Bản, đồng minh lâu năm của Mỹ có thể là sự đánh cược tốt nhất, theo một số nhà phân tích.

My muon dua ten lua den chau A anh 2
Nhật Bản ngày càng lo lắng trước kho tên lửa đạn đạo đồ sộ của Trung Quốc. Ảnh: AP.

Điều khiến Nhật Bản trở thành lựa chọn khả thi là tính dễ bị tổn thương của Tokyo trước kho tên lửa đạn đạo khổng lồ của Bắc Kinh.

Quân đội Trung Quốc đã phát triển nhiều tên lửa đạn đạo được thiết kế để tấn công hàng không mẫu hạm và các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, vốn được sử dụng để bảo vệ Tokyo trong trường hợp xảy ra xung đột.

Các tên lửa như DF-16, sát thủ tàu sân bay DF-21D, sát thủ đảo Guam DF-26 đều có khả năng tấn công căn cứ quân sự Mỹ trên khắp châu Á, bao gồm Nhật Bản.

Trong các cuộc tập trận gần đây, Bắc Kinh đã thử nghiệm khả năng tấn công phủ đầu bằng tên lửa đạn đạo vào các căn cứ tiền phương của Mỹ ở châu Á, như căn cứ hải quân Yokosuka ở tỉnh Kanagawa, các căn cứ không quân Kadena ở tỉnh Okinawa và Aomori, tỉnh Misawa. 

Trung Quốc hiện đã có từ 1.400-1.800 tên lửa và có thể là đang sản xuất thêm. Với sức mạnh quân sự của mình, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể thấy tự tin để hành động đơn phương chớp nhoáng trong khu vực.

Theo một nghiên cứu được công bố gần đây của Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Đại học Sydney, Australia, kho tên lửa đồ sộ có thể giúp Bắc Kinh chiếm giữ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Việc sử dụng chớp nhoáng và hạn chế các vũ khí như tên lửa đạn đạo trước khi Mỹ có thể đáp trả gieo rắc thêm các hoài nghi về đảm bảo an ninh của Washington đối với Tokyo. Nếu xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, những căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản trở thành mục tiêu cho tên lửa Trung Quốc, Tokyo chắc chắc sẽ bị cuốn vào cuộc chiến.

Nhật Bản có thể phải xem xét khả năng cho phép Mỹ triển khai tên lửa để tăng cường sức mạnh phòng thủ.

Các quan chức, nhà phân tích nói rằng Mỹ nên tìm cách hợp tác với Nhật Bản để tìm các lựa chọn trong ngắn hạn để củng cố cán cân quân sự thông thường với Trung Quốc, buộc các nhà hoạch định Bắc Kinh phải cân nhắc trước bất kỳ quyết định phiêu lưu quân sự nào.

Bài toán khó cho Nhật Bản

Giới phân tích nhận định, nếu Nhật Bản cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm trung trên lãnh thổ nước này sẽ kích động phản ứng dữ dội từ Trung Quốc và biến Tokyo trở thành mục tiêu cho hàng nghìn tên lửa của Bắc Kinh.

Trung Quốc cũng đã lên tiếng cảnh báo trước bất kỳ kế hoạch triển khai tên lửa nào của Mỹ đến châu Á. “Trung Quốc sẽ không ngồi yên và sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ triển khaii”, Fu Cong, Cục trưởng Cục kiểm soát vũ khí, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong một tuyên bố.

My muon dua ten lua den chau A anh 3
Căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản sẽ là mục tiêu cho tên lửa Trung Quốc nếu xảy ra xung đột. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Ông Fu cũng cảnh báo các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia hành động thận trọng và không cho phép Mỹ triển khai vũ khí trên lãnh thổ của họ, vì điều đó sẽ không phục vụ gì cho an ninh và lợi ích quốc gia của các nước này.

Thực tế thì Bắc Kinh không nói suông, khi Seoul cho phép Washington triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Ngay lập tức, Seoul phải hứng chịu sự phẫn nộ của Bắc Kinh, đỉnh điểm của vụ việc không chỉ là đóng băng quan hệ ngoại giao mà còn tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc. Đối với THAAD là một hệ thống vũ khí phòng thủ, nếu quốc gia nào đó ở châu Á cho phép Mỹ triển khai vũ khí tấn công, phản ứng có thể còn dữ dội hơn.

Ngoài yếu tố khách quan, việc cho phép triển khai tên lửa tầm trung ở Nhật Bản chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ chính nội bộ đất nước. J. Berkshire Miller, Phó giám đốc Viện MacDonald Laurier, có trụ sở tại Ottawa, Canada, cho biết bất kỳ kế hoạch triển khai tên lửa đến Nhật Bản sẽ rất khó khăn và nhạy cảm về chính trị.

Tokyo cũng có kế hoạch giới thiệu tên lửa hành trình tầm xa phát triển trong nước vào năm tới, tại căn cứ ở tỉnh Okinawa để đối phó với sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch triển khai này có thể đi ngược với chính sách phòng thủ của Nhật Bản.

Theo khảo sát của Kyodo thực hiện vào đầu tháng trước, công chúng Nhật Bản vẫn chia rẽ về kế hoạch sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp Hòa bình của nước này. 56% số người được hỏi phản đối kế hoạch, trong khi 32,2% ủng hộ.

Bên cạnh đó, khả năng và ý chí chính trị của Nhật Bản đối với vấn đề này rất khó đánh giá. Ngoài ra, cam kết chính trị của Washington đối với kế hoạch có đủ mạnh hay không, khi mà chính quyền do Tổng thống Donald Trump lãnh đạo liên tục công kích các đồng minh.

Van Jackson, cựu quan chức Lầu Năm Góc nhận định, khả năng các đồng minh châu Á cho phép Mỹ triển khai tên lửa là rất thấp. Lãnh thổ của họ bị biến thành mục tiêu cho tên lửa Trung Quốc, cùng với sự bất thường trong chính sách của Tổng thống Trump thì rất ít quốc gia dám mạo hiểm.

Tên lửa TQ có thể ‘bẻ gãy’ các căn cứ Mỹ trong vài giờ?

Trung tâm phân tích Mỹ ở Australia nói rằng kho tên lửa đạn đạo đồ sộ của Trung Quốc có thể áp đảo lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á chỉ trong vài giờ khi có chiến tranh.

Châu Á 'nín thở' trước tuyên bố rút thỏa thuận hạt nhân của Mỹ

Các đồng minh của Mỹ tại châu Á lo lắng trước tuyên bố rút thỏa thuận hạt nhân của Tổng thống Trump nhưng họ có thể không có nhiều lựa chọn ngoài việc giữ im lặng và theo dõi.


Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm