Toàn bộ các tàu ngầm phi hạt nhân do Trung Quốc sản xuất phải sử dụng động cơ nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh: RT |
Những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc đã phát triển hạm đội tàu ngầm ấn tượng sử dụng động cơ diesel và năng lượng hạt nhân. Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI), lực lượng chiến tranh dưới nước Hải quân Trung Quốc có 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân, 4 cỗ máy răn đe hạt nhân chiến lược và 53 tàu ngầm tấn công điện-diesel.
Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc trình lên Quốc hội Mỹ về sự phát triển của Hải quân Trung Quốc dự đoán, đến năm 2020, hải quân nước này sẽ có khoảng 69 đến 78 tàu ngầm.
Xương sống của lực lượng tàu ngầm Bắc Kinh là 13 tàu tấn công điện-diesel lớp Song (Type-039) và 13 tàu động cơ không khí tuần hoàn độc lập AIP lớp Yuan (Type-039A). Dự kiến, Trung Quốc sẽ sản xuất khoảng 20 tàu ngầm lớp Yuan để nâng cao sức mạnh.
Theo ONI, nhiệm vụ chính của lực lượng tàu ngầm là tiến hành các hoạt động chiến tranh chống tàu mặt nước dọc theo các tuyến đường biển quan trọng. Tuy nhiên, tàu ngầm Trung Quốc còn yếu trong lĩnh vực tấn công mặt đất và tác chiến chống ngầm.
Điểm yếu công nghệ động cơ
Nghiên cứu gần đây của Tổng công ty RAND, một tổ chức nghiên cứu và phân tích cho quân đội Mỹ, cho biết một trong những hạn chế của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc là khả năng làm chủ công nghệ động cơ. Phần lớn hệ thống động lực trên các tàu ngầm phải nhập khẩu từ nước ngoài hoặc sản xuất theo giấy phép. Điều đó khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc nâng cấp hay phát triển các tàu ngầm mới.
Theo các nhà khoa học, tàu ngầm phi hạt nhân có khả năng hoạt động êm hơn so với tàu ngầm hạt nhân bởi động cơ diesel có khả năng giảm đáng kể độ ồn khi hoạt động nên khó bị phát hiện. Các tàu ngầm điện-diesel lớp Song và Yuan sử dụng động cơ 396 SE84 series do tập đoàn MTU Friedrichshafen GmbH của Đức sản xuất. "Đây là những động cơ diesel dành cho tàu ngầm hàng đầu thế giới", một kỹ sư hàng hải giàu kinh nghiệm nhận xét.
Mỗi tàu ngầm sử dụng 3 động cơ diesel được sản xuất theo giấy phép của MTU tại nhà máy ở Trung Quốc từ năm 1986. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể tự sản xuất loại động cơ tương tự do hạn chế về kỹ thuật. Do đó, Bắc Kinh phải phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài trong các thiết kế mới.
Việc phụ thuộc vào động cơ nước ngoài khiến năng lực tàu ngầm của Trung Quốc kém năng lực so với phương Tây. Ảnh: Military-today |
"Họ (Trung Quốc) đang cố gắng phát triển tàu ngầm có khả năng hoạt động cực êm và không phải nổi lên để sạc pin. Nhiều khả năng tàu ngầm lớp Yuan được trang bị động cơ AIP do Thụy Điển chế tạo, nhưng công nghệ luôn phát triển. Động cơ AIP là công nghệ cực kỳ phức tạp ngay cả khi bạn đã làm chủ được nó" giáo sư Erickson giải thích.
Ngoài ra, Trung Quốc đang thử nghiệm công nghệ pin lithium-ion (Li-Ion) cho phép nâng cao thời gian hoạt động dưới nước cho tàu ngầm. "Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của pin Li-Ion trong việc phát triển động cơ cho tàu ngầm thông thường trong tương lai", giáo sư Erickson nhận xét. "Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ phát triển thế hệ tàu ngầm phi hạt nhân mới sử dụng pin Li-Ion vào năm 2020 nhưng không rõ chi tiết".
Ngoài hạn chế về động cơ diesel, các lò phản ứng sử dụng trên tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc cũng kém xa so với phương Tây. Ví dụ, tàu ngầm tấn công hạt nhân mới nhất của Trung Quốc là Type-095 chỉ tương đương với tàu ngầm cùng loại của phương Tây những năm 1980.
Trước đó, một số trang mạng Trung Quốc từng so sánh tàu ngầm Type-095 với tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia hiện đại nhất của Mỹ. Nhìn chung, Hải quân Trung Quốc đang tiến hành quá trình hiện đại hóa trên diện rộng, nhưng sức mạnh tác chiến của họ chưa thay đổi ngay lập tức, giáo sư Erickson kết luận.