Phát biểu bên lề diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Mattis khẳng định nếu tình hình trên bán đảo Triều Tiên ổn định hơn, Washington và Seoul có thể xem xét về số phận của 28.500 quân Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc. Vấn đề này sẽ không nằm trong nội dung cuộc thượng đỉnh ngày 12/6 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc tách biệt với cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Mỹ và Triều Tiên", ông Mattis nói.
Tháng trước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng bác bỏ thông tin cho rằng quân đội Mỹ sẽ rời Hàn Quốc nếu hiệp định hòa bình với Triều Tiên được ký kết.
Binh lính Mỹ và Hàn Quốc trong một buổi diễn tập chung. Ảnh: AP. |
Sau hiệp định đình chiến năm 1953, Mỹ thay mặt Liên Hợp Quốc hiện diện quân sự trên lãnh thổ Hàn Quốc. Lực lượng này thường xuyên tham gia các cuộc tập trận với quân đội nước chủ nhà. Triều Tiên từ lâu cáo buộc các hoạt động quân sự Mỹ tại phía Nam vĩ tuyến 38 là bước chuẩn bị cho chiến tranh xâm lược miền Bắc, đồng thời đặt yêu cầu Mỹ rút quân là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán.
10 ngày trước khi cuộc thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra, Tổng thống Trump nhận được thư từ nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Sau đó, ông khẳng định hai bên sẽ hội kiến theo đúng kế hoạch, dù trước đó chính Trump là người tuyên bố hủy cuộc thượng đỉnh.
Ông cho rằng hai bên có thể cần nhiều hơn một cuộc gặp gỡ để đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng thời tiết lộ Mỹ đã đơn phương tạm hoãn hàng trăm lệnh trừng phạt chuẩn bị áp dụng lên Bình Nhưỡng.