Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo ngày 7/2 rằng Triều Tiên sẽ triển khai những tên lửa mới trong hải quân. Ảnh: CNN |
Tại sao Triều Tiên giận dữ khi Mỹ - Hàn tập trận?
Cuộc tập trận Key Resolve và Foal Eagle huy động hàng nghìn binh sĩ cùng những vũ khí hiện đại của Mỹ và Hàn Quốc. Giới chức hai nước nhấn mạnh rằng, hoạt động này chỉ mang tính chất phòng vệ chứ không có ý định khiêu khích đối với bên nào.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không đồng tình với lời giải thích này. "Trong ít nhất 25 năm qua, năm nào Triều Tiên cũng phản ứng dữ dội và yêu cầu nước láng giềng không tổ chức diễn tập", giáo sư Sung Yoon Lee (Đại học Tuffs, Mỹ), trả lời đài CNN.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên luôn lên án các cuộc tập trận là "diễn tập cho chiến tranh". Tháng 3/2013, quân đội Triều Tiên thậm chí còn tuyên bố Mỹ tham gia tập trận nhằm "phối hợp với Hàn Quốc để tấn công hạt nhân phủ đầu".
Philip Yun, thành viên đoàn đàm phán với Triều Tiên dưới thời Tổng thống Bill Clinton, cho rằng những tuyên bố phản đối và đe dọa là một cách mà ban lãnh đạo Triều Tiên quản lý dư luận trong nước.
Triều Tiên đáp trả Mỹ - Hàn như thế nào?
Bình Nhưỡng thường chỉ trích mạnh mẽ, đe dọa, và một số lần thử vũ khí như phóng tên lửa hoặc thử nghiệm hạt nhân.
Mỗi đầu năm, Triều Tiên luôn yêu cầu Hàn Quốc không tổ chức tập trận, nhưng Seoul phớt lờ đề nghị này. Do vậy, Triều Tiên thường đe dọa và phóng thử tên lửa khi thời điểm tập trận đến gần.
Pháo binh Triều Tiên tập trận hồi năm 2009. Ảnh: CNN |
Ngày 8/2, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã bắn 5 tên lửa tầm ngắn ra biển Nhật Bản. Trước đó một ngày, Bình Nhưỡng thông báo thử nghiệm thành công một tên lửa đối hạm mới.
Quân đội Hàn - Mỹ thông báo tập trận năm nay bắt đầu từ ngày 2/3 đến 24/4, do vậy giới quan sát đang tăng cường theo dõi các phản ứng từ Triều Tiên.
Mỹ có bao giờ nhượng bộ Triều Tiên và dừng tập trận?
Trong giai đoạn đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng vào đầu và giữa thập niên 1990, Washington nhiều lần hoãn tập trận quân sự. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi đáng kể từ đó đến nay. Triều Tiên đã tỏ rõ quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế. Nước này nhiều lần thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Tháng 1/2015, Bình Nhưỡng "mặc cả" rằng họ sẽ ngưng thử nghiệm hạt nhân nếu Mỹ hủy cuộc tập trận sắp tới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Marie Harf, phản ứng quyết liệt trước đề nghị này. "Tôi thấy rõ ràng đây là lời đe dọa".
Vì sao căng thẳng gia tăng đáng kể vào đầu năm 2013?
Tháng 12/2012, Triều Tiên phóng thử tên lửa tầm xa. Hai tháng sau, nước này tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần 3. Liên Hợp Quốc đã ra lệnh cấm vận để trừng phạt, nhưng Bình Nhưỡng không ngừng đe dọa tấn công hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc và Mỹ. Một website của chính phủ Triều Tiên thậm chí còn đăng video về một cuộc tấn công hạt nhân giả tưởng nhằm vào Washington.
Triều Tiên "khoe" tên lửa ở thủ đô Bình Nhưỡng ngày 27/6/2013, trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày hai miền ký thỏa thuận đình chiến. Ảnh: CNN |
Cuối tháng 3/2013, Mỹ triển khai một máy bay ném bom tàng hình B-2 bay qua bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn tập trận với Hàn Quốc. Đây là máy bay có thể chở vũ khí hạt nhân, do vậy càng khiến Bình Nhưỡng nổi giận.
Kim Jong Un đáp trả Mỹ - Hàn khác gì với người cha quá cố?
Các chuyên gia cho rằng những hành động đáp trả của ông Kim Jong Un tương tự chính quyền trước, nhưng giọng điệu đe dọa mạnh mẽ hơn. Triều Tiên dưới thời Kim Jong Un cũng sở hữu nhiều vũ khí mới và không thể coi thường.
Một số biện pháp mà Kim Jong Un áp dụng giống với các chính sách của nhà lãnh đạo Kim Jong Il. Trong giai đoạn căng thẳng đầu năm 2013, Triều Tiên tuyến bố thỏa thuận đình chiến, văn bản giúp kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953, không còn hiệu lực. Trước đó, năm 2009, Bình Nhưỡng tuyên bố rằng quân đội nước này không còn ràng buộc theo thỏa thuận đình chiến vì Hàn Quốc bắt tay với Mỹ.
Cũng trong năm 2013, Triều Tiên cắt đường dây quân sự nóng với Hàn Quốc tương tự năm 2009.
Tuy nhiên, việc dự đoán phản ứng tiếp theo của Triều Tiên trước khi Hàn - Mỹ tập trận năm 2015 là điều khó khăn. Dù Triều Tiên cũng thử nghiệm vũ khí rầm rộ, trong đó có phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung, khi Hàn - Mỹ tập trận năm 2014; mức độ đáp trả này vẫn ít căng thẳng hơn so với năm 2013. "Kim Jong Un vẫn còn là một nhà lãnh đạo mới, bạn không thể biết ông ấy sẽ quyết tâm tới đâu, do vậy mọi dự đoán không có gì là chắc chắn", chuyên gia Yun nói.