“Các nhóm hoạt động chung của Hàn Quốc và Mỹ đã đề xuất chọn khu vực Seongju, tỉnh Gyeongsang Bắc, là địa điểm cho việc triển khai... và bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã phê duyệt”, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 13/7 dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng cho biết.
Thiết bị phòng thủ khu vực đầu cuối tầm cao (THAAD) là hệ thống lá chắn tên lửa hiện đại của Mỹ, do hãng Lockheed Martin thiết kế với mục tiêu đánh chặn các tên lửa đạn đạo trong phạm vi từ 150-200 km.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định việc đặt THAAD tại Seongju, cách phía đông nam thủ đô Seoul 296 km, sẽ giúp bảo vệ sự an toàn cho từ một nửa cho đến hai phần 3 toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc.
Ngoài ra, THAAD cũng gia tăng đáng kể khả năng bảo vệ các cơ sở hạ tầng chủ chốt của nước này như nhà máy năng lượng hạt nhân, nhà máy lọc dầu, và cả các lực lượng quân đội của liên minh Mỹ - Hàn.
Tuần trước, sau khi Mỹ và Hàn Quốc thông báo đã đạt thỏa thuận về việc triển khai THAAD vào cuối năm 2017, phía Triều Tiên đã có những phản ứng mạnh mẽ. Bình Nhưỡng gọi đây là hành động khiêu khích từ Washington, và đã tuyên bố cắt kênh liên lạc ngoại giao Triều Tiên – Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nước bày tỏ sự phản đối với việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc, với lý do hành động này sẽ tác động xấu đến an ninh khu vực.
Đài CNN dẫn lại phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng việc triển khai THAAD là điều “phi lý”, mặc dù phía Hàn Quốc hôm 13/7 cũng khẳng định rằng họ chọn địa điểm đặt THAAD lấy hiệu quả quân sự và an toàn của dân cư làm ưu tiên hàng đầu.
Hôm 12/7, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye nhắc lại rằng THAAD được triển khai với mục tiêu chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên, và “không có lý do gì để chúng tôi sử dụng THAAD chống lại hoặc xen vào lợi ích an ninh của một bên thứ 3 nào ngoài Triều Tiên”, theo CNN.
Việc triển khai THAAD của Mỹ và Hàn Quốc có thể là hành động đáp trả dành cho Triều Tiên khi Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 4 hồi đầu năm nay, và liên tục vướng cáo buộc vi phạm lệnh cấm thử tên lửa của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, lâu nay vấn đề về THAAD thường xuyên bị cản trở do mối quan ngại của Nga và Trung Quốc.
Trang 38 North chuyên đưa tin về Triều Tiên hôm 8/7 cũng dẫn lời Joel Wit, một chuyên gia cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Mỹ - Hàn nhận định: “Trong khi việc triển khai THAAD là biện pháp cần thiết để ứng phó việc Triều Tiên mở rộng kho tên lửa và hạt nhân, bước đi này cũng có khả năng nới rộng khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc trong chiến lược đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên”.
Ngày 8/7, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, THAAD sẽ được lên kế hoạch triển khai sớm, dự kiến đưa vào hoạt động chậm nhất vào cuối năm 2017.
Theo bản tuyên bố, khi hệ thống THAAD được triển khai tới bán đảo Triều Tiên, nó sẽ chỉ tập trung vào các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và không nhắm mục tiêu tới bất kỳ quốc gia nào khác.