Theo AFP, Nhật Bản sẽ mua 73 tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA của nhà sản xuất quốc phòng Raytheon. Mẫu tên lửa này có thể phóng từ hệ thống Aegis trên tàu chiến.
SM-3 Block IIA được dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo. SM-3, tên hiệu là RIM-161A, được Mỹ và Nhật Bản phối hợp phát triển. Đây được xem là một trong những tên lửa đánh chặn khai hỏa từ tàu chiến hiện đại nhất đang được Mỹ sử dụng.
Mẫu Block IIA có khả năng đánh chặn tên lửa tầm ngắn đến tầm trung. Vận tốc bay lớn của SM-3 Block IIA cũng cho tên lửa này cơ hội đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Một buổi thử nghiệm phóng tên lửa đánh chặn trên tàu chiến USS John Paul Jones phá hủy tên lửa đạn đạo tầm trung vào năm 2017. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ. |
Thương vụ diễn ra giữa lúc Triều Tiên đang gia tăng mạnh mẽ sức mạnh tên lửa quốc gia. Trong hơn hai năm qua, Bình Nhưỡng chứng tỏ đã phát triển thành công nhiều tên lửa tầm xa và tầm trung, đủ khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân đe dọa Mỹ và các đồng minh.
Trong tháng 8, Triều Tiên tiến hành 7 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Ít nhất một tên lửa thử nghiệm có tầm bắn đủ khả năng vươn tới Nhật Bản.
Cùng đợt với thương vụ bán tên lửa đánh chặn cho Nhật Bản, Lầu Năm Góc cũng phê duyệt thêm nhiều hợp đồng bán vũ khí cho Hungary, Hàn Quốc, Lithuania và Đan Mạch với tổng giá trị lên đến 943 triệu USD.
Hàn Quốc đã hỏi mua 31 ngư lôi hạng nhẹ MK 54 của Mỹ, được thiết kế để có thể phóng từ máy bay săn tàu ngầm P-8 Poseidon. Trong khi đó, Hungary sẽ mua từ Raytheon 180 tên lửa không đối không tầm trung tối tân AIM-120C-7, còn Lithuania mua gần 500 xe địa hình chiến thuật hạng nhẹ của Mỹ.