Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ đưa tiêm kích đắt nhất hành tinh tham chiến vì sợ Syria

Giới chức quân sự Mỹ buộc phải đưa máy bay tàng hình F-22 Raptor và máy bay ném bom chiến lược siêu âm B-1 Lancer đội bom IS vì lo sợ sức mạnh hệ thống phòng không Syria.

Một chiếc F-22 tiếp nhiên liệu trên không trong sứ mệnh không kích IS trên lãnh thổ Syria. Ảnh: Aviationist

Ngày 23/9, chính phủ Mỹ thông báo với chính quyền Bashar al-Assad về vụ không kích trước khi tấn công các mục tiêu của lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) trên lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc lo sợ quân đội Syria sẽ tấn công máy bay Mỹ khi chúng tiến vào không phận quốc gia này. Đây là lý do khiến giới chức Mỹ quyết định lần đầu sử dụng máy bay tiêm kích tàng hình đắt giá nhất hành tinh, Daily Beast đưa tin.

Một trong những mục tiêu lớn của Lầu Năm Góc là giảm thiểu tối đa thiệt hại của quân đội Mỹ khi dội bom các mục tiêu IS. Trong những thông điệp trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn chiến dịch không kích trên đất Syria càng ít rủi ro càng tốt. Bởi vậy, F-22 là lựa chọn khả thi và vô cùng hợp lý. 

Khác với chiến dịch thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Libya, Mỹ và đồng minh không có quyền tấn công các căn cứ quân sự của chính quyền al-Assad. Nó đồng nghĩa với việc máy bay chiến đấu Mỹ sẽ phải đương đầu với hệ thống phòng không mạnh nhất của Syria.

Một trong những doanh trại của IS bị máy bay tàng hình F-22 Raptor không kích. Ảnh: Lầu Năm Góc

Các đánh giá cho thấy Syria sở hữu hệ thống phòng không đáng nể dù phần lớn đã cũ và khá lỗi thời do Liên Xô nghiên cứu, phát triển. Tuy nhiên, người ta phát hiện quân đội của Tổng thống al-Assad được trang bị tên lửa phòng không hiện đại của Nga, như hệ thống Buk và tên lửa tầm thấp Tunguska, đủ sức bắn hạ máy bay Mỹ.

Giới chức Mỹ tuyên bố chiến dịch không kích chống IS sẽ kéo dài trong nhiều năm. Nó sẽ tiêu tốn của Lầu Năm Góc những khoản tiền khổng lồ. Tuy nhiên, đây là cái giá mà chính quyền Obama phải trả trong cuộc chiến chống IS.

Chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo là lần đầu tiên Lầu Năm Góc đưa máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-22 Raptor vào tham chiến. Tuy nhiên, chi phí của nhiệm vụ này khá đắt đỏ.

Theo Daily Beast, Mỹ phải chi 79 triệu USD cho cuộc không kích đầu tiên vào các mục tiêu của IS và Khorasan, tổ chức khủng bố liên kết với al-Qaeda trên lãnh thổ Syria. Số tiền này nhiều hơn 5 triệu USD so với tổng chi phí mà Ấn Độ bỏ ra để phóng tàu vũ trụ chinh phục thành công quỹ đạo sao Hỏa.

Phản lực chiến đấu F/A-18C Hornet của Mỹ cất cánh từ sàn tàu sân bay USS George H.W. Bush đang hoạt động tại Vịnh Ba Tư. Ảnh: Getty

Giới chức Mỹ nhận thức rõ những khoản chi phí đắt đỏ sẽ phải bỏ ra khi sử dụng F-22 Raptor. Theo thống kê năm 2013, chi phí 1 giờ bay của những chiếc F-22 đạt 68.000 USD. Nó bao gồm xăng dầu, chi phí bảo dưỡng lớp sơn tàng hình và các yếu tố khác.

Trong ngày đầu tiên không kích, Mỹ bắn 47 tên lửa hành trình Tomahawk từ tàu chiến ngoài Biển Đỏ với trị giá mỗi quả đạt 1,6 triệu USD. Giả sử mỗi nhiệm vụ không kích kéo dài 6 tiếng, Mỹ sử dụng 4 chiếc F-22 Raptor, 4 chiếc F-15, 4 chiếc F-18, 2 chiếc B-1 Lancer và 4 máy bay không người lái, Lầu Năm Góc mất thêm 3,9 triệu USD. Tổng cộng, Mỹ phải chi 79 triệu USD trong ngày không kích đầu tiên.

Khảo giá vũ khí Mỹ trong chiến dịch không kích IS (kỳ 2)

Lầu Năm Góc mất hơn 1,5 triệu USD cho mỗi quả tên lửa hành trình Tomahawk mà hai tàu chiến của họ bắn vào mục tiêu từ Biển Đỏ.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm