Hội nghị diễn ra ngày 27/3 (giờ địa phương tại New York), trong khi Mỹ và hàng chục nước khác tuyên bố tẩy chay sự kiện này.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ), bà Nikki Haley, nói: “Là một người mẹ và đã có con gái, không điều gì tôi mong muốn cho gia đình mình hơn là một thế giới phi hạt nhân. Tuy nhiên chúng ta cần phải thực tế. Liệu ai có thể đảm bảo Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ?”.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cùng các nam đồng nghiệp tuyên bố phản đối một lệnh cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Ảnh: Reuters. |
Theo nữ đại diện của nước sở hữu sức mạnh hạt nhân lớn nhất thế giới, khoảng 40 nước đã cùng Mỹ không tham gia cuộc đối thoại. Những nước đứng về phía Mỹ gồm Anh, Pháp, Hàn Quốc, Israel…
Hội nghị tại LHQ hướng tới lệnh cấm vũ khí hạt nhân mang tính ràng buộc pháp lý được thông báo lần đầu vào tháng 10/2016. Khi đó, Mỹ và các đồng minh chủ chốt đã bỏ phiếu chống về một hiệp ước như vậy; trong khi những quốc gia hạt nhân khác như Pakistan bỏ phiếu trắng.
Là quốc gia duy nhất bị tàn phá vì bom nguyên tử vào năm 1945, Nhật Bản cũng bỏ phiếu chống một hiệp ước cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Thuỵ Điển là nước khởi xướng kêu gọi “hướng đến việc loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân” cùng với Áo, Ireland, Mexico, Brazil và Nam Phi.
“Điều này sẽ cần một thời gian dài. Chúng tôi không ngây thơ. Nhưng lệnh cấm là rất cần thiết trong bối cảnh ngày nay, khi ngày càng nhiều hành động hoặc lời đe doạ sử dụng hạt nhân để thị uy”, Ngoại trưởng Thuỵ Điển Margot Wallstrom nói.