Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ dỡ lệnh cấm xuất khẩu dầu sau 40 năm

Hôm nay 19/12, việc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô đã được Quốc hội Mỹ thông qua và giờ đây đang chờ chữ ký của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ảnh Reuters

Hãng tin AFP đưa tin, Quốc hội Mỹ vừa dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu áp dụng suốt 40 năm qua giữa lúc sản lượng dầu thô Mỹ đạt mức cao kỷ lục, đánh dấu thay đổi lịch sử trong ngành công nghiệp dầu mỏ đang bùng nổ.

Với 65 phiếu thuận và 33 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm, đồng thời cho phép gia hạn thuế trong vòng 5 năm nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng thay thế. 

Cùng ngày trước đó, Hạ viện đã thông qua văn bản pháp lý trong đó có quy định về năng lượng, với 316 phiếu thuận và 113 phiếu chống. 

Việc xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu đã là chủ đề của các cuộc thảo luận kín trong lãnh đạo Quốc hội Mỹ trong hơn 2 tuần. 

Trong khi nhiều thành viên đảng Dân chủ phản đối, một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa và các công ty dầu mỏ lớn lại vận động mạnh mẽ cho việc dỡ bỏ lệnh cấm. Họ cho rằng động thái này sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người Mỹ và tăng cường an ninh của các đồng minh châu Âu của Washington.

Thượng nghị sĩ Heidi Heitkamp ở bang giàu dầu thô Nork Dakota nhận định: "Dỡ bỏ lệnh cấm là tốt cho người tiêu dùng, tốt cho nền kinh tế, tốt cho an ninh quốc gia và an ninh năng lượng. Bằng cách mở cửa cho dầu thô Mỹ đến với phần còn lại của thế giới.  Chúng ta không chỉ cung cấp cho các đồng minh một đối tác kinh doanh năng lượng ổn định hơn, mà còn làm giảm sức mạnh của các quốc gia như Nga, Venezuela và khu vực bất ổn Trung Đông vốn đã và đang sử dụng thế mạnh năng lượng để gây ảnh hưởng đất nước chúng ta và các đồng minh”.

Việc dỡ bỏ lệnh cấm "đặc biệt quan trọng tại thời điểm nền công nghiệp dầu mỏ đang đối mặt với giai đoạn nhiều bất ổn và biến động", Ryan Lance, CEO của ConocoPhillips nhận định. 

Lãnh đạo Dân chủ Nancy Pelosi và các nghị sĩ đảng này lo ngại việc cho phép Mỹ xuất khẩu dầu ra nước ngoài sẽ làm tổn thương những nhà lọc dầu độc lập thông qua việc tăng giá đầu trong nước và quốc tế. 

Tom O’Malley, từ công ty lọc dầu PBF Energy cho rằng quyết định này sẽ dẫn đến việc ít nhất nhà máy lọc dầu ở bờ Đông phải đóng cửa. Hai nhà máy khác ở New Jersey và Delawere sẽ hoạt động cầm chừng.

"Đây là một quyết định điên rồ. Một khi đã dỡ bỏ, sẽ rất khó để đảo ngược quyết định",  O’Malley nói. 

Bà Pelosi nói rằng quyết định này sẽ khiến mức độ hủy hoại môi trường tăng lên 10 lần. 

Các nhà môi trường lo ngại việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu trên sẽ khuyến khích chuyện tiếp tục phụ thuộc vào dầu thô thay vì năng lượng sạch, dù Mỹ cam kết tại hội nghị khí hậu Paris rằng sẽ cắt giảm khí thải carbon. Các tổ chức phi chính phủ cũng cho rằng động thái này sẽ làm “gia tăng tần suất các vụ nổ xe lửa và sự cố tràn dầu trên cả nước và vùng biển quốc tế”.

Việc chấm dứt lệnh cấm đã áp dụng suốt 40 năm qua, theo đánh giá của CNBC sẽ tác động không đáng kể lên ngành dầu của Mỹ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, quyết định này sẽ thay đổi cuộc chơi, giúp các nhà sản xuất Mỹ và nước Mỹ chiếm lĩnh tốt hơn thị trường dầu thế giới.

Lệnh cấm xuất khẩu dầu của Mỹ được áp dụng lần đầu tiên vào năm 1975, khi kinh tế Mỹ đang chịu một cú sốc nặng và khiến giá dầu toàn cầu lên cao chóng mặt vì lệnh cấm vận dầu mỏ Ả Rập Xê Út năm 1973 - 1974. Những nước Ả Rập thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cấm xuất khẩu dầu sang Mỹ để trả thù cho sự hậu thuẫn của Washington đối với Israel trong cuộc chiến Ả Rập - Israel.

Trong bối cảnh đó, Mỹ tìm kiếm sự độc lập năng lượng bằng cách tạo ra một kho dự trữ khẩn cấp có tên gọi Kho Dự trữ dầu chiến lược vào năm 1975, và cấm xuất khẩu hầu hết dầu thô. Lệnh cấm trên có một vài ngoại lệ, chẳng hạn như việc mỗi ngày có 491.000 thùng dầu thô được cho phép xuất khẩu từ Alaska và California sang Canada để sử dụng trong nước, và dầu nhập khẩu có thể được tái xuất khẩu.

Với việc dỡ bỏ lệnh cấm, tất cả 9,2 triệu thùng dầu thô được sản xuất mỗi ngày trên đất Mỹ và 490,7 triệu thùng dầu thô dự trữ thương mại đều có thể được xuất khẩu.

 


Nguyệt Thanh (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm