Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu cho Myanmar
Chỉ vài ngày trước chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Myanmar, ngày 16/11 Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu hầu hết hàng hóa từ quốc gia Đông Nam Á này.
Chính quyền Obama tuyên bố nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ mở cửa đón nhận các sản phẩm từ Myanmar ngoại trừ đá quý - mặt hàng được xem là nguyên nhân chính gây ra tham nhũng và bạo lực.
Việc Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận mang lại cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp dệt may của Myanmar. |
Washington cho hay động thái trên "nhằm ủng hộ các nỗ lực cải cách của Chính phủ Myanmar và khuyến khích nhiều thay đổi hơn nữa, cũng như cung cấp những cơ hội mới cho các doanh nghiệp của Myanmar và Mỹ”.
Trước đó, năm 2003, Quốc hội Mỹ ban hành lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa từ Myanmar như một biện pháp để phản đối những hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền quân sự nước này.
Hãng AFP đánh giá việc Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận mang lại cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp dệt may của Myanmar, bởi Mỹ từng là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng quần áo của nước này.
Trên danh nghĩa, Myanmar đã kết thúc gần nửa thế kỷ đặt dưới sự lãnh đạo của chính quyền quân sự khi Tổng thống Thein Sein, một cựu tướng lĩnh, bắt đầu thực hiện làn sóng cải cách dân chủ vào năm ngoái với một loạt biện pháp như phóng thích tù nhân chính trị, đàm phán với phiến quân và nới lỏng kiểm duyệt.
Trong chuyến thăm của ông Thein Sein tới New York hồi tháng 9 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã cam kết Mỹ sẽ bình thường hóa quan hệ thương mại với Myanmar.
Ngày 19/11 ông Obama cũng sẽ trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm Myanmar, một chuyến đi mà chỉ vài năm trước đây được coi là điều không tưởng.
Tuy nhiên, bất chấp những thay đổi tích cực từ Myanmar, chính quyền Tổng thống Obama cho hay “Washington vẫn còn quan ngại về việc một số lượng lớn tù nhân chính trị (hiện vẫn bị giam giữ), xung đột sắc tộc, tham nhũng và quan hệ quân sự của Myanmar với CHDCND Triều Tiên”.
Cùng với lệnh dỡ bỏ cấm nhập khẩu vào hôm qua 16/11, Bộ Tài chính Mỹ đã thêm tên 7 công ty Myanmar, trong đó có 4 công ty có địa chỉ tại Singapore, vào danh sách đen và cấm các doanh nghiệp Mỹ được hợp tác với những công ty này.
Những công ty này được xem là công ty bình phong, thuộc quyền sở hữu của “hai cá nhân ủng hộ chế độ (quân sự) cũ”.
Theo Tuổi trẻ