Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hải quân Myanmar tự lực cánh sinh

Bị phương Tây cấm vận nhiều năm, Hải quân Myanmar gặp không ít khó khăn nhưng  vẫn xây dựng được đội tàu chiến mạnh mẽ.

Hải quân Myanmar tự lực cánh sinh

Bị phương Tây cấm vận nhiều năm, Hải quân Myanmar gặp không ít khó khăn nhưng  vẫn xây dựng được đội tàu chiến mạnh mẽ.

Hải quân Myanmar có quân số thường trực 19.000 lính, 122 tàu các loại (trong đó có 62 tàu chiến).

Trước năm 1988, họ chỉ là lực lượng nhỏ, yếu, trang bị lạc hậu; chủ yếu sử dụng các loại tàu pháo nhỏ, thế hệ cũ do Mỹ cung cấp từ những năm 1950.

Phải tới đầu những năm 1990, chính quyền Myanmar mới bắt đầu hiện đại hóa hải quân để bảo vệ vùng biển rộng lớn  hơn 600.000km2, đường bờ biển dài 1.930km). Do bị phương Tây áp đặt lệnh cấm vận toàn diện nên họ phải mua tàu chiến từ Trung Quốc.

Những “viên gạch” đầu tiên

Giai đoạn 1991-1993, Hải quân Myanmar liên tiếp nhập khẩu 10 tàu pháo lớp Hải Nam Type 037 từ Trung Quốc. Đây là loại tàu có lượng giãn nước 400 tấn, dài 58,77m; được vũ trang 2 tháp pháo 2 nòng 57mm, 2 tháp pháo 2 nòng 25mm và 2 súng máy phòng không 14,5mm cùng hệ thống rocket săn ngầm Type 81.

Tàu pháo lớp Hải Nam Type 037.

Tới năm 1995, Myanmar mua thêm 6 tàu cao tốc tên lửa lớp Houxin Type 037IG có lượng giãn nước 487 tấn, dài 62,8m. Type 037IG trang bị tổ hợp tên lửa hành trình đối hạm C-802 (4 quả), 2 tháp pháo bắn nhanh Type 69 30mm và 2 súng máy phòng không 14,5mm. Đây là tàu chiến được trang bị tên lửa đầu tiên của Hải quân Myanmar.

Tự đóng tàu

Từ sau Type 037IG, Myanmar dừng nhập khẩu mà chuyển sang tự đóng với sự giúp đỡ, tiếp nhận công nghệ, thiết bị từ Trung Quốc.

Năm 1996, Hải quân Myanmar nhận 5 tàu pháo cỡ nhỏ do nước này tự đóng. Không có nhiều thông tin về lớp tàu nhưng chúng chủ yếu vẫn trang bị các loại vũ khí do Trung Quốc sản xuất.

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Anawratha do Myanmar tự đóng.

Cùng năm đó, Myanmar đưa vào biên chế tàu hộ tống tên lửa lớp Anawratha tự đóng. Tới tận năm 2007, họ mới đưa chiếc thứ 2 vào hoạt động.

Không rõ kích thước, lượng giãn nước của Anawratha ngoại trừ việc tàu được cho là trang bị hệ thống vũ khí phòng thủ trên cả 3 mặt: chống hạm (tổ hợp tên lửa C-802, pháo hạm 76mm), phòng không (tháp pháo Type 69 30mm, Type 58 14,5mm) và chống hạm.

Trước đó, năm 2004, Myanmar đưa vào biên chế 5 tàu cao tốc tên lửa cỡ nhỏ trang bị tổ hợp tên lửa chống hạm C-802 của Trung Quốc.

Tàu cao tốc tên lửa do Myanmar tự đóng trang bị 4 tên lửa chống hạm C-802, 2 tháp pháo Ak-230 2 nòng cỡ 30mm.

Như vậy, tính tới năm 2007, Hải quân Myanmar có 13 tàu chiến tên lửa, trở thành lực lượng đáng gờm trong khu vực.

Tuy nhiên, những tàu này chủ yếu là loại nhỏ, hoạt động gần bờ. Ngoài khả năng chống hạm mạnh, khả năng phòng không của chúng đều kém, không có hệ thống tên lửa hải đối không.

Trước tình hình đó, Myanmar nỗ lực hiện đại hóa hải quân nhưng không phải là mua mới mà tiếp tục đóng trong nước. Tới năm 2008, họ hoàn thiện khinh hạm đầu tiên, mạnh nhất của nước này.

Chiến hạm thực thụ

Năm 2008, Myanmar đưa vào biên chế khinh hạm lớp Aung Zeya có lượng giãn nước lên tới 4.053 tấn, trở thành tàu chiến lớn nhất mà một quốc gia ở Đông Nam Á tự đóng được.

Lớp Aung Zeya trang bị 4 động cơ diesel rất khỏe, cho phép đạt tốc độ tối đa 30 hải lý/h, tầm hoạt động hơn 6.000km.

Hệ thống điện tử trên tàu chủ yếu dùng radar do Trung Quốc sản xuất nhưng cá biệt, hệ thống định vị thủy âm (dò tìm tàu ngầm) là từ Nga.

Myanmar không tiết lộ thông tin chi tiết hệ thống vũ khí trên tàu nhưng theo các chuyên gia quốc tế thì nó gồm: tổ hợp tên lửa hành trình C-803 (tầm bắn 200km, 8 quả); 2 tổ hợp pháo bắn nhanh Type 730 7 nòng cỡ 30mm; hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn HQ-7; pháo hạm 76mm và cụm máy phóng ngư lôi hạng nhẹ 324mm.

Ngoài nguồn tin trên, có người cho rằng tàu trang bị 4 tổ hợp pháo Ak-630 của Nga, hệ thống tên lửa phòng không tầm trung HQ-16 và hệ thống tên lửa hành trình đối đất tầm xa HN-2 (tầm bắn 500km).

Khinh hạm tên lửa Aung Zeya (F11).

Myanmar đang tiếp tục đóng thêm một tàu lớp Aung Zeya. Tuy nhiên, đây là con tàu ẩn chứa nhiều công nghệ phức tạp nên thời gian thực hiện khá lâu. Đó có lẽ là một trong những lý do buộc Myanmar mua lại 2 khinh hạm hạng nhẹ lớp Giang Hồ II Type 053H1 của Trung Quốc. Việc này nhằm nhanh chóng tăng cường sức mạnh của Hải quân Myanmar trong việc tuần tra vùng biển xa.

Năm 2012, họ hoàn tất việc tiếp nhận và đưa vào biên chế 2 khinh hạm Mahar Bandula (F21) và Mahar Thiha Thura (F22) lớp Giang Hồ II. Trước khi nhận từ Trung Quốc, 2 tàu trải qua đợt hiện đại hóa hệ thống vũ khí.

Tàu được vũ trang tổ hợp tên lửa chống hạm C-802 (8 quả), 2 tháp pháo 100mm, 4 tháp pháo 2 nòng 37mm, 2 giàn phóng rocket săn ngầm Type 81 (5 ống phóng) hoặc Type 3200 (6 ống phóng).

Lớp Giang Hồ II Type 053H1 có lượng giãn nước 1.702 tấn, dài 103,2m. Thủy thủ đoàn khá đông: 190 người.

Nhìn chung, tàu chiến Hải quân Myanmar mạnh về khả năng chống hạm, yếu về năng lực phòng không, chống ngầm. Ngoại trừ Aung Zeya trang bị tổ hợp tên lửa đối không, tất cả các tàu chiến còn lại đều sử dụng pháo kiểu cũ, độ chính xác kém, tốc độ bắn không cao.

Dẫu sao, đấy là những cố gắng tuyệt vời, đáng khâm phục của Myanmar trong điều kiện đất nước gặp vô vàn khó khăn vì lệnh cấm vận.

Hồng Hà

Theo Infonet.vn

Hồng Hà

Theo Infonet.vn

Bạn có thể quan tâm