Bộ tứ chiến hạm canh giữ biển Malaysia
Khinh hạm lớp Kasturi là một trong những tàu chiến hiện đại đầu tiên của Hải quân Hoàng gia Malaysia...
Khinh hạm Kasturi
Kasturi do hãng Howaldtswerke-Deutsche Werft (Đức) thiết kế và đóng mới. Malaysia nhận 2 chiếc Kasturi mang tên KD Kasturi và KD Lekir vào năm 1984.
Lớp Kasturi có lượng giãn nước 1.900 tấn, dài 93.3m. Tàu lắp 4 động cơ diesel MTU 20V 1163 TB92, sản sinh 21.460 mã lực, cho phép đạt tốc độ tối đa 28 hải lý/h, tầm hoạt động 13.000km.
Kasturi tuy được đóng ở Đức nhưng trang bị vũ khí Pháp với một pháo hạm cỡ 100 mm, chuyên tiêu diệt mục tiêu tầm gần (tầm bắn 17.000 m, tốc độ bắn 78 viên/phút).
Hai khinh hạm lớp Kasturi Hải quân Malaysia. |
Tàu trang bị tổ hợp tên lửa hành trình đối hạm tầm ngắn Exocet MM38 (8 đạn tên lửa). MM38 lắp một đầu đạn thuốc nổ mạnh nặng 165kg, tầm bắn 40km, dẫn đường bằng hệ định vị quán tính INS và radar chủ động giai đoạn cuối hành trình bay. Tàu cũng có khả năng chống ngầm hạng nhẹ với một cụm giàn phóng rocket săn ngầm cỡ 375mm.
Tuy nhiên, khả năng phòng không của Kasturi rất yếu ớt: chỉ có 2 tháp pháo 2 nòng cỡ 30mm chống máy bay tầm thấp và hoàn toàn không được hỗ trợ bởi hệ thống tên lửa đối không. Đây là điểm yếu "chết người" của Kasturi nếu phải đối phó với tàu đối phương trang bị tên lửa đối hạm.
Kasturi cũng được thiết kế sân đáp trực thăng ở đuôi tàu, đáp ứng việc cất, hạ cánh một trực thăng hạng trung AgustaWestland SeaLynx 300 hoặc Eurocopter Fennec.
Dù được coi là một trong những loại tàu hiện đại nhưng nếu so với thời điểm bây giờ, Kasturi bộc lộ một số điểm yếu nhất định. Ví dụ, vũ khí chống hạm chủ yếu của tàu có tầm bắn quá ngắn, pháo hạm đời cũ lạc hậu, hệ thống rocket săn ngầm không thực sự hiệu quả.
Vì vậy, năm 2009, Malaysia triển khai chương trình nâng cấp kéo dài thời gian phục vụ cho 2 khinh hạm Kasturi.
Theo đó, pháo hạm 100 mm được thay bằng pháo bắn nhanh 57mm. Hệ thống rocket săn ngầm được thay bằng 2 cụm máy phóng ngư lôi hạng nhẹ 324mm A244S. Đặc biệt, Malaysia cũng bỏ tổ hợp MM38 và thay bằng tổ hợp MM40 Block 2 Exocet (tầm bắn 70km).
Đáng tiếc, lần hiện đại hóa này, Malaysia vẫn “không chịu” trang bị cho Kasturi hệ thống tên lửa đối không mà sử dụng pháo phòng không.
Hộ tống hạm Laksamana
Tiếp sau sự xuất hiện của Kasturi, năm 1995, Bộ Quốc phòng Malaysia mua 2 tàu hộ tống lớp Laksamana từ hãng Fincantieri. Lớp Laksamana có lượng giãn nước 675 tấn, dài 62,3m. Tàu lắp 4 động cơ diesel cho phép đạt tốc độ 36 hải lý/h, tầm hoạt động 4.300km.
Laksamana được trang bị hệ thống vũ khí cho phép tiêu diệt mục tiêu trên biển và trên không. Cụ thể, tàu lắp tổ hợp tên lửa hành trình chống hạm tầm xa Teseo Mark 2 (6 đạn). Tên lửa lắp một đầu đạn nặng 210kg, tốc độ hành trình cận âm, tầm bắn 120km.
Hộ tống hạm Laksamana có 6 tên lửa ở đuôi tàu. |
Tàu còn có hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Albatros dùng để tiêu diệt tất cả các mục tiêu trên không. Albatros bắn đạn tên lửa Aspide có tầm 15 km. Tàu cũng có khả năng chống ngầm hạn chế với cụm máy phóng ngư lôi cỡ 324mm (3 ống) bắn ngư lôi hạng nhẹ A244/S.
Ngoài ra, tàu cũng có hệ thống pháo gồm một pháo hạm 76mm dùng để bắn mục tiêu trên biển và pháo phòng không 2 nòng cỡ 40mm.
Sức mạnh của Laksamana được xem là tương đối mạnh trong tất cả chủng loại tàu chiến mặt nước của Hải quân Malaysia. Trong đó, năng lực phòng không và chống hạm mạnh hơn hẳn khinh hạm Kasturi và Lekiu.
“Soái hạm” Hải quân Malaysia
Lekiu là chiến hạm mạnh nhất, hiện đại nhất của Hải quân Malaysia, được đóng tại nhà máy Yarrow (Glasgow, Anh) theo thiết kế tiêu chuẩn khu trục hạm hạng nhẹ F2000.
Lekiu có lượng giãn nước 2.270 tấn, dài 106m, rộng 12,75m. Động lực của tàu gồm 4 động cơ diesel MTU 20V 1163 TB93 cho phép đạt tốc độ tối đa 28 hải lý/h, tầm hoạt động khoảng 8.000 km. Tổng số thủy thủ đoàn đông, lên tới 146 người (18 sĩ quan).
Cấu hình vũ khí của Lekiu tương đương với khinh hạm Kasturi sau hiện đại hóa năm 2009. Nó cũng gồm: một pháo hạm 57mm, 2 pháo phòng không 30mm, tổ hợp tên lửa đối hạm MM40 Block 2 Exocet, ngư lôi 324mm. Tuy nhiên, Lekiu được trang bị hệ thống tên lửa đối không giúp khả năng phòng vệ mạnh hơn hẳn Kasturi.
Khinh hạm KD Jebat thiết kế một sân đáp trực thăng ở đuôi tàu nhưng không có nhà chứa máy bay. |
Lekiu trang bị tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn MBDA Seawolf chuyên dùng đối phó các cuộc tấn công từ chiến đấu cơ và tên lửa hành trình với tầm bắn 7km. Tên lửa Seawolf đặt trong hệ thống ống phóng thẳng đứng (16 ống). Sau khi phóng, tên lửa bay tới mục tiêu với tốc độ Mach 2,5.
Tàu lắp các hệ thống điều khiển/kiểm soát chiến đấu, radar cảnh giới, hệ thống điều khiển hỏa lực, hệ thống tác chiến điện tử từ các hãng quốc phòng hàng đầu Châu Âu.
Tuy được xem là chiến hạm mạnh nhất, hiện đại nhất của Malaysia nhưng dường như hệ thống vũ khí trang bị cho Lekiu chưa tương xứng với “lời ca tụng”.
Hệ thống tên lửa chống hạm MM40 Block 2 Exocet có tầm bắn ngắn (70km), tỏ ra thua kém so với chính tàu hộ tống 650 tấn Laksamana.
Tên lửa hành trình đối hạm tầm ngắn MM40 Block 2 Exocet. |
Nếu xét chung trong các chủng loại tên lửa diệt hạm ở khu vực Đông Nam Á, MM40 Block 2 Exocet kém hơn nhiều tên lửa Kh-35E (tầm 130km) trên tàu chiến Việt Nam, RGM-84 Harpoon (tầm bắn 124km) trên các tàu chiến Singapore, Indonesia, Thái Lan hay C-802 tầm 120km của Myanmar.
Hệ thống phòng không gồm pháo 30mm và tên lửa tầm ngắn Seawolf khó đảm bảo tính phòng vệ an toàn cho Lekiu trước các loại tên lửa hành trình chống hạm ngày càng hiện đại, tốc độ vượt âm, quỹ đạo bay cực thấp.
Có lẽ thấy được những yếu điểm của Lekiu, sau khi đưa vào vận hành 2 tàu chiến không lâu, Bộ Quốc phòng Malaysia lên kế hoạch sắm thêm 2 tàu Lekiu tập trung tăng cường hỏa lực phòng không. Tuy nhiên, do các trục trặc về tài chính, cho đến nay kế hoạch vẫn chưa triển khai.
Scorpène - "át chủ bài" của Hải quân Malaysia
Xây dựng được hạm đội tàu chiến mặt nước hùng hậu, Malaysia bắt đầu từng bước tạo dựng nền móng hạm đội tàu ngầm tấn công. Trong tháng 1 và tháng 9/2008, Malaysia lần lượt tiếp nhận hai tàu ngầm tấn công điện – diesel lớp Scorpène từ hãng DCNS (Pháp).
Với sự kiện này, Malaysia trở thành quốc gia thứ 4 ở Đông Nam Á sở hữu tàu ngầm. Scorpène được đánh giá là một trong những tàu ngầm tấn công hiện đại nhất thế giới, có độ ồn khi vận hành cực nhỏ.
Lớp Scorpène có lượng giãn nước 1.500 - 2.000 tấn, dài 60-70m (tùy từng biến thể). Hình dáng tàu được thiết kế tròn thon dài, ít các phần phụ nhô ra ngoài, chân vịt cải tiến giúp giảm tiếng ồn đến mức tối đa khi vận hành.
Tàu ngầm KD Tunku Abdul Rahman thuộc lớp Scorpène. |
Việc làm giảm âm thanh khi hoạt động giúp vô hiệu hóa hệ thống định vị thủy âm đối phương, giúp tàu có thể lẩn trốn đối phương hoặc bí mật tiếp cận bờ biển địch để thả biệt kích.
Tàu trang bị hệ thống động cơ diesel – điện, cho phép đạt tốc độ 20 hải lý/h trên mặt nước hoặc 12 hải lý/h dưới mặt nước, hoạt động liên tục 40 - 50 ngày, lặn sâu tối đa 300m.
Về hệ thống vũ khí, Scorpène thiết kế 6 máy phóng ngư lôi cỡ 533mm, có thể bắn ngư lôi hạng nặng Black Shark hoặc tên lửa hành trình chống hạm SM39 Exocet (tầm bắn 50km).
Scorpène được vận hành bởi 31 thủy thủ với đầy đủ chỗ sinh hoạt, ngủ nghỉ. Tất cả các phòng đều được lắp hệ thống điều hòa nhiệt độ. Trong trường hợp bị nạn, tàu có thể cung cấp nước uống, lương thực, áp suất, không khí đảm bảo sự sống cho thủy trong vòng 7 ngày.
Hồng Hà
Theo Infonet.vn