Hình ảnh vệ tinh được đăng lên mạng xã hội cho thấy tàu Reagan và một số tàu chiến không xác định, có thể là của Mỹ và Trung Quốc, di chuyển trong khu vực phía đông bắc của quần đảo Trường Sa vào ngày 28/9.
Khi được hỏi về các hình ảnh, vị trí của Reagan và liệu nó có ý định gửi thông điệp đến Trung Quốc hay không, một phát ngôn viên của Hạm đội 7 của Mỹ từ chối xác nhận vị trí tàu sân bay nhưng cho biết tàu đang trên đường "tiến hành các hoạt động thường lệ".
"Đường đi của tàu không liên quan tới bất kỳ sự kiện cụ thể nào", Chỉ huy Reann Mommsen trả lời Japan Times trong email.
Tàu USS Ronald Reagan đi cùng với tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải (phía trước) trong khi tiến hành các hoạt động ở Biển Đông vào ngày 19/6. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 26/9 cho biết tàu sân bay và nhóm tấn công, có căn cứ ở Yokosuka, tỉnh Kanagawa, đang ở Biển Đông để "thị uy và leo thang quân sự hóa khu vực".
"Chúng tôi kiên quyết phản đối điều đó. Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ tôn trọng các mối quan ngại về an ninh của các quốc gia trong khu vực và đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông", phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đại tá Nhậm Quốc Cường, nói.
Washington đã lên án Bắc Kinh vì những hành động trên biển, bao gồm cả việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo để làm sân bay quân sự và kho vũ khí tối tân.
Mỹ lo ngại các cơ sở này có thể được sử dụng để hạn chế tự do hàng hải, bao gồm các tuyến đường biển quan trọng, nơi lưu thông của khoảng 3 nghìn tỉ USD hàng hóa toàn cầu mỗi năm. Quân đội Mỹ thường xuyên tiến hành những gì họ gọi là hoạt động tự do hàng hải trong khu vực.
Bắc Kinh cho biết họ đã triển khai vũ khí tối tân ở các đảo nhỏ cho mục đích phòng thủ nhưng một số chuyên gia cho rằng đây là một phần trong tham vọng kiểm soát các vùng biển.