Theo lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc do chính quyền tỉnh Hải Nam ban hành ngày 29/11/2013, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, tàu cá nước ngoài phải xin phép trước khi đánh bắt hay thăm dò trong khu vực rộng tới 2 triệu km2, chiếm hai phần ba diện tích Biển Đông.
Mỹ lên án hành động của Trung Quốc là khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm. Ảnh: Hainan.news.cn. |
Những tàu vi phạm các quy định đánh bắt cá sẽ buộc phải rời khỏi khu vực. Số cá đánh bắt sẽ bị tịch thu và phải trả khoản tiền phạt lên đến 83.000 USD. Thậm chí trong một số trường hợp, tàu cá nước ngoài có thể bị tịch thu và thủy thủ đoàn bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.
“Việc thông qua những quy định hạn chế đánh bắt này tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông là một hành động khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm. Trung Quốc đã không đưa ra giải thích hoặc căn cứ theo luật pháp quốc tế cho những yêu sách hàng hải mở rộng đó”, bà Jen Psaki, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tại cuộc họp báo hôm qua.
Theo phát ngôn viên này, lập trường nhất quán của Mỹ là các bên liên quan nên tránh mọi hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới triển vọng đạt được một giải pháp ngoại giao cho những bất đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết, Manila đã yêu cầu sứ quán tại Bắc Kinh lấy thêm thông tin về các quy định này. Về phần mình, Đài Loan cũng phản đối các quy định cấm đánh bắt cá này của Trung Quốc, và kêu gọi các bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, không có những hành động phá hoại hòa bình và ổn định khu vực.
Biện hộ cho hành động của mình, ngày 9/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, Trung Quốc là một quốc gia hàng hải. Các tỉnh duyên hải căn cứ luật pháp quốc gia để xây dựng các quy định nhằm điều chỉnh việc bảo tồn, quản lý và sử dụng các tài nguyên sinh vật biển là hoàn toàn bình thường.