- Mỹ điều tàu tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm mục đích gì?
- Hiện tại, Tri Tôn, hòn đảo nằm ở phía cực nam quần đảo Hoàng Sa, nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Việc Mỹ tiến hành hoạt động tuần tra đặc biệt nhằm bác bỏ yêu cầu thông báo trước mà phía Trung Quốc đưa ra. Washington tin rằng, động thái của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Mỹ tuần tra nhằm tái khẳng định điều này.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông. Ảnh: Getty |
- Tại sao Hải quân Mỹ chọn đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa để áp sát?
- Mỹ có những tính toán rất kỹ lưỡng trong việc lựa chọn khu vực để thực hiện quyền tự do hàng hải. Vị trí tương đối biệt lập của Tri Tôn giúp Mỹ có thêm thuận lợi. Ngoài ra, Washington cũng có thể chủ động thay đổi vùng biển tuần tra nhằm gây bất ngờ cho phía Trung Quốc nhưng vẫn khẳng định được quyền tự do đi lại trên Biển Đông.
- Ông dự đoán tình hình Biển Đông thời gian tới sẽ diễn biến thế nào?
- Ngày 27/1, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, tuyên bố Washington sẽ tăng cường các hoạt động nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Các cuộc tuần tra sẽ có phạm vi rộng lớn và phức tạp hơn. Nó đồng nghĩa rằng, Hải quân Mỹ có thể sử dụng nhiều chiến hạm để thực hiện các cuộc tuần tra hoặc kết hợp tuần tra giữa máy bay và tàu chiến.
Trong tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường theo sau chiến hạm USS Lassen của Mỹ khi nó thực hiện quyền tự do hàng hải trên Biển Đông nhưng không tiến hành ngăn chặn. Trong thời gian tới, Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng lời lẽ mạnh mẽ để cảnh báo tàu và máy bay của nước ngoài khi chúng áp sát các đảo, đá và rạn san hô Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc chưa thể đưa máy bay và tàu chiến tới các đảo nhân tạo phi pháp mà nước này bồi lấp trên các đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để có thể ngăn chặn các hoạt động tuần tra của Mỹ. Bắc Kinh cần tính toán cẩn thận trong từng hoạt động nhằm gia tăng tối đa hiệu quả tuyên truyền.
Nếu Bắc Kinh cứng rắn với Mỹ một lần, họ sẽ tiếp tục phải cứng rắn khi Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải những lần tiếp theo. Điều này làm phân tán nguồn lực của Hải quân Trung Quốc, buộc họ phải tập trung cảnh giác với các hoạt động tuần tra tiềm năng của Mỹ. Trong khi đó, không thể xác định được tàu Mỹ đang thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên hay tiến hành đảm bảo tự do hàng hải khi nó quá cảnh ở Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer là nhà quan sát chính trị khu vực có tiếng. Ông được biết đến qua các nghiên cứu về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á. Ông hiện là chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia.