Reuters cho biết ông Burns được 75 phiếu thuận và 18 phiếu chống. Kinh nghiệm công tác lâu năm trong chính phủ giúp ông đạt được sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ Cộng hòa.
Quyết định phê chuẩn của thượng viện đánh dấu thời điểm Quốc hội Mỹ vượt qua trở ngại cuối cùng liên quan đến việc Tổng thống Joe Biden không thể cử đại diện chính thức tại Trung Quốc sau 11 tháng từ khi nhậm chức, theo South China Morning Post.
“Nếu có một nơi Mỹ rất cần có đại sứ, đó chính là Trung Quốc”, Thượng nghị sĩ Bob Menendez, đảng viên Dân chủ kiêm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, cho biết.
“Chúng ta đã dành rất nhiều thời gian để trao đổi về những thách thức từ Trung Quốc, nhưng chúng ta không có đại sứ giúp Mỹ đối mặt với những thách thức đó", ông Menendez khẳng định.
Nhà ngoại giao Nicholas Burns sẽ trở thành đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Đại sứ trước đây của Mỹ tại Trung Quốc là Terry Branstad. Ông Branstad từ chức vào tháng 10/2020. Sau đó, Nhà Trắng phải đến tháng 8 vừa qua mới chính thức đề cử ông Burns, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, đồng thời là cựu Đại sứ Mỹ tại NATO và Hy Lạp, cho vị trí ở Bắc Kinh.
Trong bối cảnh các cơ quan của Mỹ đang tiến hành đánh giá về chính sách đối với Trung Quốc, việc bổ nhiệm chậm trễ của chính quyền Biden còn bị trì hoãn khi đề cử đối mặt với phản đối của một số thành viên đảng Cộng hòa ở quốc hội.
Đối với ông Burns - người có thời gian làm việc lâu năm trong chính quyền của đảng Cộng hòa và Dân chủ, đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc giúp ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nhà lập pháp hai đảng.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn còn hơn 50 bổ nhiệm cần được thông qua. Ông Menendez bày tỏ thất vọng về "sự chậm trễ và trở ngại" mà những đại sứ bổ nhiệm phải đối mặt, bất chấp việc các đề cử đã được lưỡng đảng chấp thuận ở cấp ủy ban.