Mỹ chuyển 'hung thần chiếm đảo' đến Nhật
Đúng 3 ngày sau tin Mỹ chính thức chuyển thêm máy bay quân sự Osprey những hình ảnh đầu tiên mới được công bố...
Theo đó, hầu hết các trang mạng quân sự của TQ đều đăng tải những hình ảnh này kèm với lời binh luận về mối quan ngại khi “hung thần chiếm đảo“ xuất hiện ngày càng nhiều tại sát TQ.
Việc bổ sung thêm 12 máy bay Osprey đến Okinawa, Nhật Bản và dự định trong tương lai gần số lượng sẽ còn tăng thêm khi Tokyo đã thông qua việc chấp thuận để Osprey được phép đồn trú tại quốc gia này sẽ khiến nhiều quốc gia trong khu vực cảm thấy lo ngại, đặc biệt là Triều Tiên và TQ.
Hiện tại Mỹ cũng đang có 12 chiếc Osprey tại Nhật với lô hàng trên thì Mỹ sẽ có 24 chiếc đồn trú thường xuyên ở Nhật để tạo ra sức mạnh tấn công chớp nhoáng phủ đầu đối với bất kỳ lực lượng quân đội nào, nhiều chuyên gia phân tích còn khẳng định việc tăng lượng máy bay tấn công Osprey của Mỹ sẽ tạo thành cánh tay nối dài tầm kiểm soát của Washington trên biển Thái Bình Dương.
Dù nhiều lần khẳng định quan điểm của mình trong việc Mỹ triển khai Osprey tới Nhật, nhưng phải đến ngày thứ 3 sau quyết định điều chuyển bổ sung thêm Osprey tới Nhật, Bắc Kinh mới chịu lên tiếng.
Trên trang quân sự chinamil, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Vệ Kiệt khẳng định, Osprey có kết cấu tương tự máy bay trực thăng, có khả năng cất, hạ cánh thẳng đứng trên mặt boong với cánh quạt quay lên trên như máy bay trực thăng, nhưng nó cũng có thể xoay cánh về phía trước để bay như một máy bay cánh cố định, hơn nữa vận tốc của nó cũng cao hơn nhiều so với trực thăng, vừa có thể chở theo khoảng 20, 30 người vừa có thể vận tải trang bị do vậy việc Mỹ triển khai loại máy bay này tại khu vực Đông Bắc Á đã tạo nên sự bất ổn trong khu vực hơn là bảo đảm an ninh cho Nhật.
Tờ CNJ của TQ còn phân tích thêm, trong các cuộc tập trận chiếm đảo trước đây của quân đội Nhật, với sự hỗ trợ của lực lượng trực thăng thì phải mất từ 60 đến 70 phút mới có thể hoàn thành bài diễn tập, nhưng chỉ với sự hỗ trợ của 5 chiếc Osprey trong cuộc diễn tập gần đây nhất, thời gian chiếm đảo của Nhật đã được cải thiện rút ngắn xuống còn một nửa.
Lý giải cho điều này, báo chí TQ cho rằng, Osprey được thiết kế đa năng vừa có thể tấn công từ trên không, vừa có thể rải quân số lượng lớn trên bất kỳ địa hình này, hơn thế do tốc độ bay tốt hơn trực thăng nhiều lần nên rất khó cho hệ thống phòng không có thể hạ gục được “hung thần chiếm đảo“.
Cũng theo chuyên gia Lý Vệ Kiệt phân tích, trong nhiệm vụ vận tải hoặc đổ bộ tấn công lập thể, tính năng của Osprey vượt xa các loại máy bay trực thăng thông thường như CH-46 Sea Knight. Đó là điều hết sức nguy hiểm.
Trong chuyển trường tầm xa, các máy bay trực thăng của Mỹ như CH-53 Super Stallion và CH-46 Sea Knight không thể một mình bay đến đích, mà chỉ có thể sử dụng Osprey, điều này lý giải tại sao báo chí TQ cho rằng trong bán kính 1.600km tính từ Okinawa được xem là vùng nguy hiểm đối với TQ.
Trên thực tế theo tờ Ausdefence của Úc nhận định thì Osprey mới là nỗi lo thực sự của Bắc Kinh chứ không phải là những chiến hạm hạng năng hay tàu ngầm hạt nhân cũng như tàu sân bay của Mỹ, bởi hiện chỉ có Osprey mới đang thực sự áp sát TQ và tạo ra mối nguy thực sự đối với kế sách biển đảo của nước này.
Hình ảnh 12 chiếc Osprey của Mỹ được chuyển lên tàu vận tải vào ngày 16/7 để chuyển đến Nhật.
Theo dự kiến chậm nhất lô hàng này sẽ tới Nhật vào ngày 27/7 và như vậy trong tháng 8 Mỹ sẽ hoàn thành việc biên chế chính thức 24 chiếc Osprey của mình tại Nhật hình thành nên sức mạnh “răn đe“ đối với các quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á.
Theo Đất Việt