Mỹ chưa can thiệp vào Syria, Iran đắc lợi
Cộng đồng quốc tế vẫn chưa có hành động hiệu quả để ngăn đổ máu tại Syria và “ngư ông đắc lợi” chính là Iran.
Sau đề xuất của ông Annan (trái) sẽ là hành động quân sự đơn phương? |
Tình trạng “bất hành động” này khuyến khích Iran trong việc theo đuổi vũ khí hạt nhân và nước này sẽ không bao giờ đàm phán thật sự với nhóm P5+1, nhiều chính trị gia phương Tây khẳng định.
Nếu không thể có được sự ủng hộ quốc tế để can thiệp vào Syria, điều đó cũng có nghĩa là Mỹ cũng không thể có sự ủng hộ quốc tế đối với những biện pháp trừng phạt Iran, đặc biệt là từ phía Nga và Trung Quốc. Hơn nữa, khi các nước đồng minh như Ấn Độ và Hàn Quốc vẫn tiếp tục mua dầu của Iran thì các biện pháp trừng phạt mới cũng không thể ngăn Tehran phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Iran ngày càng nhận thức rõ rằng các biện pháp trừng phạt đa phương sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Một số chuyên gia cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu sẽ buộc Iran ngồi vào bàn thương lượng nhưng họ sai lầm. Tuy có thể ngồi vào bàn đàm phán nhưng Iran sẽ không quan tâm đến đàm phán thực sự. Như đã từng làm trong quá khứ, Iran sẽ đưa ra những nhượng bộ vô nghĩa để trì hoãn hành động quốc tế nhằm vào chương trình hạt nhân của nước này.
Sau những gì đang xảy ra tại Syria, Iran biết rằng sẽ không có hậu quả nghiêm trọng, nếu đàm phán thất bại. Hơn nữa, Iran sẽ dùng các cuộc đàm phán và và những hứa hẹn nhượng bộ để Nga, Trung Quốc có cớ để phản đối việc tăng cường hành động chống Tehran.
Việc Iran có hạt nhân sẽ còn gây nhiều lo lắng. Một cuộc tấn công quân sự, vốn khiến quốc tế lo ngại, có thể sẽ trở thành một sự lựa chọn thực tế để chấm dứt chương trình hạt nhân của Tehran. Nếu Liên Hiệp Quốc (LHQ) không đạt được đồng thuận về những vấn đề như Syria, có thể sẽ diễn ra những hành động đơn phương, bên ngoài khuôn khổ LHQ.
Theo baodatviet