Tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh hạn chế xuất khẩu đối với SMIC, công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc. Theo hướng dẫn của Bộ Thương mại Mỹ, các nhà cung cấp phải xin giấy phép xuất khẩu từ Washington nếu muốn tiếp tục làm ăn với tập đoàn Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ cho rằng có khả năng SMIC sử dụng các thiết bị, vật liệu mua từ nước ngoài trong các dự án quân sự của chính phủ Trung Quốc, và đó là "rủi ro không thể chấp nhận được".
Theo CNBC, các nhà phân tích nhận định lệnh cấm vận của chính quyền Mỹ là cú đòn giáng thẳng vào tham vọng phát triển ngành bán dẫn Trung Quốc. SMIC được xem là một phần quan trọng trong chiến lược bán dẫn của Trung Quốc, và lệnh cấm của Mỹ sẽ khiến sự phát triển của công ty này bị đình trệ trong vài năm.
SMIC là công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: CNBC. |
Mỹ thống trị chuỗi cung ứng
"Cú đòn này đánh trúng vào tham vọng tự chủ công nghệ của Trung Quốc", CNBC dẫn lời nhà phân tích David Roche, Chủ tịch hãng Independent Strategy, nhận định.
Phản ứng lại, đại diện SMIC nói với CNBC rằng công ty này "không có bất kỳ quan hệ gì với quân đội Trung Quốc và không hề sản xuất vì mục đích quân sự hoặc phục vụ quân đội. Trong phiên giao dịch ngày 8/9, giá cổ phiếu SMIC lao dốc hơn 6% ở sàn Thượng Hải và hơn 5% tại Hong Kong.
Bán dẫn là thành phần quan trọng trong tất cả thiết bị điện tử tiêu dùng ngày nay. Đặc biệt, khi ngày càng nhiều thiết bị trở nên “thông minh” và được kết nối với Internet, bán dẫn càng trong vai trò lớn hơn, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ mới, ví dụ như xe tự lái.
Chuỗi cung ứng bán dẫn có cấu trúc rất phức tạp, không chỉ bao gồm các công ty sản xuất chip mà cả các hãng thiết kế cũng như doanh nghiệp chế tác công cụ sản xuất chip. Trong lĩnh vực này, Mỹ, châu Âu và một số nền kinh tế châu Á khác chiếm ưu thế lớn.
TSMC (Đài Loan) là đối thủ trực tiếp của SMIC trong lĩnh vực sản xuất chip, nhưng có trình độ vượt xa công ty Trung Quốc. Ảnh: Focus Taiwan. |
Ví dụ, TSMC (Đài Loan) và Samsung (Hàn Quốc) - các đối thủ trực tiếp của SMIC - đạt trình độ sản xuất vượt xa tập đoàn Trung Quốc. Ở mảng công cụ sản xuất chip, ASML (Hà Lan) đóng vai trò quan trọng. Công ty này chế tạo loại máy sản xuất chip hiện đại. Theo Reuters, hồi đầu năm chính phủ Mỹ yêu cầu Hà Lan ngừng bán máy ASML cho SMIC.
Trong khi đó, không có bất cứ công ty Trung Quốc đủ khả năng lấp khoảng trống SMIC để lại nếu công ty này bị đá văng khỏi hệ thống công nghệ phương Tây.
Huawei lĩnh hậu quả
"Chúng tôi cho rằng SMIC và các công ty chip khác của Trung Quốc sẽ không thể mở rộng kinh doanh và phát triển công nghệ trong vòng ba năm tới", hãng nghiên cứu Morningstar Equity Research đánh giá.
Hãng Morningstar Equity Research cũng cho rằng Trung Quốc sẽ phải mất ít nhất 10 năm hoặc hơn để hoàn toàn nội địa hóa nguồn cung thiết bị sản xuất bán dẫn. Và không có gì đảm bảo chip "Made in China" đạt được trình độ công nghệ như sản phẩm của các nước khác.
Lệnh trừng phạt của Mỹ không chỉ giáng đòn vào ngành công nghiệp chip Trung Quốc mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hàng loạt công ty công nghệ nước này, đặc biệt là Huawei. Trước đó, Washington đã yêu cầu các nhà sản xuất nước ngoài phải xin giấy phép để bán bán dẫn cho Huawei.
Với lệnh hạn chế này, Huawei đánh mất nguồn cung chip điện thoại thông minh từ TSMC. Công ty của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi hầu như không còn sự lựa chọn nào khác ngoài SMIC. Nhưng vấn đề là SMIC không thể sản xuất được chip công nghệ cao mà Huawei cần.
Huawei sẽ lao đao vì lệnh cấm nhắm vào SMIC. Ảnh: Reuters. |
Theo Fortune, Huawei đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt chip bán dẫn phục vụ cho điện thoại thông minh và thiết bị 5G vào đầu năm 2021. Điều này đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc.
Một số nhà quan sát dự đoán Bắc Kinh có thể trừng phạt các công ty công nghệ Mỹ để trả đũa, chẳng hạn như Apple. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những đòn trừng phạt dữ dội như vậy sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc càng bị tổn thương.