Trung Quốc đang cố gắng tăng thị phần bán vũ khí cho thế giới, làm giảm ảnh hưởng của Mỹ, bằng những biện pháp như giảm giá bán, bẫy nợ hay hối lộ, R. Clarke Cooper, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách chính trị - quân sự, nói với các khách hàng tại Washington ngày 31/10.
“Trung Quốc đang lợi dụng việc chuyển giao vũ khí như cách để thâm nhập - để từ đó lợi dụng để gây ảnh hưởng và thu thập tin tình báo”.
Ông dẫn ví dụ về Kenya. Sau khi Kenya mua xe bọc thép chở quân Norinco VN-4, đại diện bán hàng của Trung Quốc từ chối ngồi trong xe trong một cuộc bắn thử. Ông cũng nói rằng nhiều lính Kenya đã chết trong những chiếc xe đó.
Trong bài phát biểu, quan chức Mỹ nhắc đến máy bay drone có trang bị vũ trang CH-4 của Trung Quốc. Ảnh: China Defence Forum. |
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Mỹ là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, trong các năm 2014-2018, theo sau là Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc.
Mỹ chiếm 36% thị phần, bạn hàng lớn nhất là Saudi Arabia. Nga chiếm 21%, bán chủ yếu cho Ấn Độ, còn Trung Quốc chỉ chiếm 5,2%, bán nhiều nhất cho Pakistan.
Ông Cooper nói Trung Quốc không chỉ muốn xuất khẩu vũ khí, mà còn muốn trói buộc các nước trong bẫy nợ và các hình thức lợi dụng khác.
Ông còn dẫn thêm ví dụ về các máy bay không người lái có vũ trang CH-4 của Trung Quốc mà vài tháng đã hỏng hóc, và các khách hàng “đang cố bỏ chúng đi”.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga trong một cuộc diễu binh ở Moscow tháng 4. Ảnh: Reuters. |
Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã cố gắng tăng cường xuất khẩu vũ khí, bất chấp sự ngăn cản từ quốc hội đối với những chính phủ độc tài.
Chẳng hạn, khi nhà bình luận Jamal Khashoggi của báo Washington Post bị giết hại tại đại sứ quán Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018, và thái tử Saudi bị nghi đứng sau, ông Trump nhất quyết ủng hộ Saudi Arabia, lấy lý do Mỹ có thỏa thuận bán hàng tỷ USD vũ khí cho Saudi.