Cảnh báo trên được đưa ra khi Mỹ liên tục ghi nhận hơn 380.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, chỉ trong tuần qua, Mỹ bốn lần ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày lập đỉnh mới.
Hôm 31/12/2021, Mỹ có thêm 386.000 ca mắc Covid-19 mới, trước làn sóng lây lan nhanh của biến chủng Omicron, theo CNN. Ít nhất 18 bang và Puerto Rico báo cáo về số ca mắc mới cao kỷ lục. Đơn cử, Arkansas hôm 30/12/2021 ghi nhận mức tăng cao nhất với 4.978 bệnh nhân mới.
Maryland, Ohio và thủ đô Washington D.C. cũng chứng kiến số ca nhập viện cao nhất từ trước đến nay, trong khi tổng số ca nhập viện vì Covid-19 của Mỹ tăng 27%.
Đợt tăng số ca Covid-19 tại Mỹ diễn ra trong bối cảnh nhu cầu đi lại tăng mạnh, các sự kiện mừng năm mới đang diễn ra, trường học đang chuẩn bị cho học sinh trở lại lớp sau kỳ nghỉ đông.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở Houston, Texas, ngày 29/12. Ảnh: Reuters. |
Tiến sĩ Michael Osterholm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nói với MSNBC: “Chúng ta sẽ thấy số ca bệnh trong nước tăng lên đáng kể. Người dân sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc sống hàng ngày”.
“Tháng 1 này sẽ là ‘cơn bão’ dịch bệnh. Toàn xã hội sẽ gánh chịu áp lực từ điều này”, ông nhấn mạnh.
Tháng 1 đầy thách thức
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, cho biết lượng ca bệnh có thể sẽ tăng trong suốt tháng 1.
Thống đốc bang Louisiana - nơi có số ca nhập viện tăng gấp ba lần trong hai tuần qua - nhấn mạnh cảnh báo trên.
Ông John Bel Edwards phát biểu trong một cuộc họp báo cuối năm rằng: “Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của đợt gia tăng này. Tháng 1 sẽ có rất nhiều thách thức”.
Với tình trạng thiếu hụt xét nghiệm và sự gia tăng trường hợp lây nhiễm “đột phá” (lây nhiễm ngay cả khi đã tiêm đủ vaccine liều cơ bản, thậm chí đã tiêm tăng cường), các chuyên gia cảnh báo bệnh viện và doanh nghiệp sẽ chịu nhiều căng thẳng.
Tiến sĩ Peter Hotez, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Baylor, nói với CNN rằng số ca nhập viện ngày càng tăng, trong khi nhân viên y tế phải làm việc ngay cả khi đang bệnh, cũng là vấn đề đáng lo ngại.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã ban hành hướng dẫn mới về việc rút ngắn thời gian cách ly và kiểm dịch. Điều này khiến một số chuyên gia và nhân viên y tế chỉ trích.
Tổng thống Joe Biden trong tháng 12/2021 đã công bố kế hoạch mới để đối phó với Omicron, nhưng một số chuyên gia cho rằng các biện pháp được đưa ra quá muộn.
Số ca Covid-19 mới ở Mỹ được dự đoán tiếp tục gia tăng trong tháng 1, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ảnh: Reuters. |
Bất chấp làn sóng dịch bệnh hiện tại, một số lãnh đạo bang và thành phố cho biết sẽ mở cửa trường học cho trẻ em vào tuần tới.
Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson nói: “Chúng tôi cam kết tại Arkansas về việc giảng dạy tại lớp. Điều đó rất quan trọng đối với tương lai của chúng ta, đối với học sinh, đối với sức khỏe tinh thần của các em”.
Ánh sáng cuối đường hầm
Các quan chức y tế Mỹ cho biết dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron có vẻ gây ít triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn. Dẫu vậy, họ vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm chủng, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.
Các cơ quan y tế cũng có kế hoạch phê duyệt việc tiêm vaccine tăng cường cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi sau kỳ nghỉ lễ.
Dù ngành hàng không vẫn bị gián đoạn, doanh số bán hàng dịp nghỉ lễ tăng mạnh. Các yêu cầu mới về trợ cấp thất nghiệp đã giảm vào tuần trước xuống mức thấp nhất của đại dịch. Chứng khoán Mỹ đạt mức cao kỷ lục vào ngày 30/12/2021.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Miguel Cardona nói với MSNBC rằng các trường học nên mở cửa, cơ quan liên bang luôn sẵn sàng cho việc bố trí nhân viên xét nghiệm để tránh lây lan bệnh trong trường học.
Còn Thị trưởng New York Eric Adams khẳng định: "Chúng tôi không thể đóng cửa thành phố một lần nữa".
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Indianapolis, Indiana, ngày 29/12/2021. Ảnh: Reuters. |
Thống đốc Arkansas Hutchinson cho biết tiểu bang sẽ cung cấp 1,5 triệu xét nghiệm tại nhà cho người dân, với hy vọng giảm áp lực cho nhân viên y tế và bệnh viện.
Thống đốc West Virginia Jim Justice đã kêu gọi người chưa chủng ngừa ở bang đi tiêm vaccine, đồng thời cho biết sẽ không áp đặt các biện pháp hạn chế dù tỷ lệ tiêm chủng của bang chưa cao.
Các chuyên gia tin rằng tình hình dịch bệnh sẽ được cải thiện sau tháng 1, khi tình trạng khan hiếm bộ xét nghiệm và các loại thuốc được phê duyệt gần đây giảm bớt.
“Vẫn có ánh sáng ở cuối đường hầm”, ông Osterholm của Đại học Minnesota nói, nhưng lưu ý rằng tình hình hiện tại vẫn rất khó khăn.