Hai năm nay, Aline (30 tuổi), một sinh viên mới tốt nghiệp ở Ohio, vẫn luôn cố bảo vệ bản thân khỏi Covid-19. Cô đã được chủng ngừa đầy đủ và tiêm tăng cường. Thế nhưng, khi làm xét nghiệm vào tuần trước để lên máy bay đến Atlanta, Aline choáng váng khi nhận kết quả dương tính, theo Washington Post.
Cô thắc mắc về việc tại sao bản thân lại nhiễm virus, trong khi đã thực hiện mọi biện pháp phòng tránh, đồng thời lo lắng không biết cơn ho của mình có trở nặng hơn không, vì cô mắc bệnh tiểu đường.
“Tôi cảm thấy xấu hổ và chết lặng”, Aline nói và chia sẻ rằng bản thân đang khiến gia đình bị áp lực.
“Tôi nhận ra rằng tôi đã thầm phán xét những người mắc phải căn bệnh này trước đây”, cô nói thêm.
Aline là một trong rất nhiều bệnh nhân Covid-19 trong làn sóng dịch bệnh mới nhất ở Mỹ. Với sự hoành hành tiếp diễn của biến chủng Delta, cùng sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron mới, các trường hợp lây nhiễm “đột phá” (lây nhiễm ngay cả khi đã tiêm đủ vaccine) ngày càng trở nên phổ biến.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng đã cảnh báo về những trường hợp như vậy. Rất nhiều người dương tính với virus đang trải qua một cảm giác khó chịu: Họ cảm thấy xấu hổ.
Jessica Stern, một nhà tâm lý học lâm sàng tại NYU Langone Health, cho biết: “Đã có rất nhiều lời kêu gọi người dân kiểm soát hành động của bản thân để tránh bị bệnh. Vì những lời kêu gọi này có liên hệ chặt chẽ với hành vi của chúng ta, tôi nghĩ rằng nhiều người đã tự giả định rằng nếu ai đó bị ốm, người đó hẳn đã làm điều gì sai trái để rồi rước bệnh vào thân”.
“Điều đó không đúng”, bà nhấn mạnh.
Vì sao bệnh nhân Covid-19 xấu hổ?
Các quan chức y tế đã nhấn mạnh rằng người dân cần phải tiêm chủng đầy đủ, tiêm tăng cường, và xét nghiệm thường xuyên. Tuy nhiên, ngay cả điều đó cũng không thể bảo vệ khỏi việc nhiễm virus.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 miễn phí ở Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Trong tuần 4-11/12, Massachusetts - một trong những bang có tỷ tiêm chủng cao nhất với 74% dân số được chủng ngừa đầy đủ - đã báo cáo 11.431 ca nhiễm “đột phá”, chiếm khoảng 37% tổng số ca dương tính mới của bang.
Peter Hotez, trưởng khoa Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y khoa Baylor, cho biết: “Cần hiểu rằng chúng ta đang phải đối mặt với một biến chủng dễ lây truyền hơn Delta”.
Ông nói rằng một số người đã hiểu sai về vai trò của vaccine, tin rằng chúng có thể bảo vệ con người khỏi bị lây nhiễm. Điều này là không đúng.
Vị chuyên gia cho biết chỉ 2 đến 3 tháng sau khi tiêm liều tăng cường Pfizer, khả năng chống lại việc lây nhiễm có triệu chứng do Omicron giảm từ khoảng 70-75% xuống còn 30-40%. “Điểm mấu chốt là bất kỳ ai cũng có thể lây nhiễm Omicron”, ông nói.
Lynn Bufka, Giám đốc cấp cao tại Hiệp hội Tâm lý Mỹ và là một nhà tâm lý học lâm sàng, cho biết bà không ngạc nhiên khi những người bị nhiễm virus có cảm giác xấu hổ.
Theo bà, tâm lý xấu hổ này từng xuất hiện kèm với nhiều chẩn đoán sức khỏe khác nhau, như HIV hay thậm chí ung thư. “Điều này xuất phát từ suy nghĩ của bệnh nhân rằng họ đang bị người khác nhìn nhận và đánh giá. Trên thực tế có rất nhiều người bị phán xét vì mắc Covid-19, vì vậy, có thể hiểu được vì sao bệnh nhân có thể cảm thấy xấu hổ”.
Bufka cho biết bà theo dõi một tài khoản chia sẻ hình ảnh và câu chuyện về những người mất vì virus. Những câu hỏi như người đó đã được tiêm phòng chưa, tại sao họ bị bệnh… rất dễ dàng xuất hiện.
Tuy nhiên, “đó không phải là vấn đề. Vấn đề là những người này đã mắc một căn bệnh thực sự khủng khiếp, và họ đã chết vì nó”, bà Bufka nói.
Xe tiêm vaccine ngừa Covid-19 di động ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP. |
Kelly Michelson, một bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Nhi Ann & Robert H. Lurie ở Chicago và là giám đốc Trung tâm Đạo đức Sinh học và Nhân văn Y tế tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, đã chăm sóc nhiều bệnh nhân Covid-19.
“Chúng tôi biết rằng hiện tại chúng ta đang ở trong một môi trường có rất nhiều sự phán xét”, bà nói và tin rằng điều đó đang khiến rất nhiều bệnh nhân bị ảnh hưởng tâm lý khi cho rằng người khác nghĩ họ đã cư xử thiếu thận trọng.
“Vai trò của tôi là gặp bệnh nhân và giúp đỡ bệnh nhân, chứ không phải giả định về lý do họ đưa ra những lựa chọn nhất định để rồi bị bệnh”, bác sĩ Michelson chia sẻ. Làm như vậy nghĩa là chúng ta đang "giả định về những điều mà chúng ta không biết", bà nói.
Cách vượt qua sự xấu hổ
Trước tâm lý xấu hổ này, các chuyên gia và bác sĩ đã đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân Covid-19.
Sue Varma, bác sĩ về tâm thần ở New York, gợi ý rằng bệnh nhân nên nghĩ về nguyên nhân khiến bản thân cảm thấy xấu hổ, chẳng hạn như bệnh nhân có thực hiện đủ các quy tắc phòng bệnh không, hay có cố gắng hết mình để giữ gìn sức khỏe không. Theo bác sĩ, suy nghĩ thấu đáo có thể giúp bệnh nhân vượt qua được tâm lý xấu hổ đó.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng sự xấu hổ thường ngăn cản những người nhiễm HIV tiết lộ các sự việc liên quan. Bà Bufka tin rằng điều tương tự đang diễn ra hiện nay.
“Cảm xúc này có thể ngăn mọi người nhận được sự chăm sóc sức khỏe cần thiết, hoặc ngăn họ thông báo về bệnh tình cho những người tiếp xúc với họ”, bà nói. Bà kêu gọi những người dương tính với virus nên tập trung vào “hành động tốt nhất cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh”.
Một nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người lái xe qua ở Bethesda, Maryland, Mỹ, ngày 22/12. Ảnh: Reuters. |
Các chuyên gia cũng khuyên rằng người bệnh không cần phải giải thích quá nhiều khi có người hỏi về nguyên nhân mắc Covid-19.
Jonathan S. Abramowitz, giáo sư tâm lý học thuộc chương trình tâm lý học lâm sàng của Đại học Bắc Carolina, nói rằng bệnh nhân thay vì để ý phán xét của người khác và cố giải thích, hãy nhớ rằng chúng ta không thể kiểm soát hành động và suy nghĩ của người khác.
Nếu ai đó đang khiến bạn xấu hổ vì mắc bệnh, có lẽ đã đến lúc xem xét lại mối quan hệ đó, Abramowitz nói.
Bác sĩ Varma bổ sung rằng người dương tính với virus nên xem đó là một kinh nghiệm để rút ra bài học, chẳng hạn như cẩn thận khi đi ra ngoài, không đến các tụ điểm quá đông đúc như hộp đêm trong thời gian này, hoặc thường xuyên đeo khẩu trang.
Bà Bufka đồng quan điểm và gợi ý mọi người hãy mua thật nhiều khẩu trang và “đặt chúng ở mọi nơi”, như trong ôtô, túi xách, áo khoác,… Bà đồng thời kêu gọi mọi người tiêm phòng và tiêm nhắc lại ngay khi có thể.
Các chuyên gia cũng khuyên những người đang cảm thấy xấu hổ vì mắc Covid-19 nên khoan dung với bản thân. Việc cứ hồi tưởng lại những gì bản thân đã làm và tự trách móc - như trách mình vì đã quên đeo khẩu trang khi vào tạp hóa, hay đáng lẽ không nên đến buổi tụ tập nào đó - sẽ không thay đổi được điều gì, bà Bufka nói.
“Hàng triệu người khác đã mắc bệnh. Bạn không phải là người duy nhất. Bạn không phải là người đầu tiên mắc Covid-19 và cũng sẽ không phải là người cuối cùng”, bác sĩ Varma nói.
Kết quả xét nghiệm dương tính với virus “không khiến ai trở thành một người vô trách nhiệm”, bà nhấn mạnh.