Một trong những radar mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS |
Phát biểu tại một sự kiện ở San Francisco, người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh: “Trung Quốc không được theo đuổi quân sự hoá ở Biển Đông. Những hành động cụ thể sẽ dẫn đến hậu quả cụ thể”.
Tuy ông Carter không nêu chi tiết về những biện pháp phản ứng với Trung Quốc, ông nhấn mạnh quyết tâm của quân đội Mỹ trong việc bảo vệ an ninh hàng hải trên toàn thế giới, đặc biệt là khu vực Biển Đông vốn là tuyến đường thương mại trên biển quan trọng của thế giới, theo Reuters.
Trả lời báo chí sau sự kiện, Bộ trưởng Carter cho biết Mỹ đã tăng cường điều động lực lượng đến châu Á - Thái Bình Dương, và sẽ dành ngân sách 425 triệu USD cho các hoạt động tập trận và huấn luyện với đối tác ở khu vực này.
Ông cho rằng, các hoạt động gây lo ngại của Trung Quốc dẫn tới những thoả thuận hợp tác mà “sẽ khó nghĩ đến” cách đây vài năm.
Ông Carter cho biết Lầu Năm Góc cũng có kế hoạch chi 8 tỷ USD trong năm tài chính 2017 nhằm mở rộng hạm đội tàu ngầm và tàu do thám không người lái dưới biển.
Trước đó, vào giữa tháng 2, Trung Quốc liên tiếp có những hành vi gây lo ngại nghiêm trọng tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 16/2, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai các tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa.
Đến ngày 22/2, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho biết Trung Quốc đã xây dựng các tháp radar trên 4 đảo nhân tạo ở Trường Sa. Ngày 23/2, các nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ J-11 và JH-7 đến đảo Phú Lâm.
Những hành động của Trung Quốc vấp phải chỉ trích dữ dội của thế giới, bao gồm giới chức quân sự Mỹ. Ngày 25/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói những hành vi của Trung Quốc là tự cô lập và buộc các nước khác phải phản ứng chống lại. Bộ trưởng Carter cho rằng, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông làm gia tăng rủi ro “tính toán sai lầm hoặc xung đột” giữa các nước trong khu vực.
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, thì cảnh báo tham vọng của Trung Quốc là muốn giành quyền kiểm soát thực tế trên Biển Đông. Ông lo ngại “khả năng nước này tiến tới tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ)”.
Trong những tuyên bố phản đối hành vi phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam luôn khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 19/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối đến phía Trung Quốc, trước việc nước này xây căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa và đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngày 25/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh, các hành động quân sự hoá của Trung Quốc đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.