Ủy ban cố vấn của FDA đã xem xét liệu kỹ thuật thay thế một phần tế bào trứng của người này bằng vật liệu sinh học cùng loại của người khác có an toàn cho việc thử nghiệm lâm sàng hay không. Cho tới nay, kỹ thuật này mới được thử nghiệm trên các phôi thai của chuột.
Ảnh minh họa. |
Trung tâm của tranh cãi nằm ở ty thể (mitochondria), một cấu trúc đóng vai trò như nhà máy sản xuất năng lượng của mỗi tế bào và cũng chứa ADN ngoài 23 nhiễm sắc thể trong nhân của tế bào.
Mỗi năm có khoảng 1.000 - 4.000 đứa trẻ chào đời ở Mỹ mắc các bệnh về ty thể, vốn thường dẫn đến tổn thương ở hệ thần kinh trung ương hoặc gây mù hay bệnh tim. Những căn bệnh nhìn chung biểu hiện ra ngoài trước khi trẻ được 10 tuổi. Chúng thường là hậu quả của các biến dị di truyền trong ty thể do người mẹ truyền lại cho con.
Với kỹ thuật "thụ tinh trong ống nghiệm với 3 bố mẹ", một ty thể sản sinh bệnh trong trứng của một phụ nữ sẽ được thay thế bằng ty thể của một bạn đồng giới khác, trước khi trứng được thụ tinh trong ống nghiệm và cấy trở lại tử cung của người mẹ ban đầu.
Chuyên gia Shoukhrat Mitalipov thuộc Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon (Mỹ), người sáng chế ra kỹ thuật trên, đã chứng kiến sự ra đời của 5 khỉ con nhờ áp dụng thành công quy trình. Ông Mitalipov hiện mong muốn được thực hiện các thử nghiệm lâm sàng ở người.
Năm 2001, thông qua một kỹ thuật khác, các nhà khoa học Mỹ cũng đã tiến hành thành công những thử nghiệm tạo phôi thai từ 3 bố mẹ, dẫn tới sự ra đời của khoảng 20 đứa trẻ. Tuy nhiên, FDA đã yêu cầu họ ngừng áp dụng kỹ thuật này ở người.
Trung tâm Di truyền và Xã hội, một cơ quan có trụ sở ở London phản đối kỹ thuật "một con, 3 bố mẹ đẻ", đã gửi đơn kiến nghị chống lại việc phê chuẩn nó. Lãnh đạo cơ quan này nhấn mạnh: "Đây là một quy trình cực đoan về mặt sinh học, sẽ đẩy bất kỳ đứa trẻ tạo thành này tới rủi ro nghiêm trọng cũng như phá vỡ sự đồng lòng nhất trí từ lâu của quốc tế nhằm chống lại việc sản sinh ra người biến đổi gen".
Khoảng 40 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả nhiều nước có nền công nghệ sinh học và ngành hóa sinh phát triển lớn mạnh, đã thông qua luật cấm các hoạt động biến đổi gen tương tự.
Tuy nhiên, báo Washington Post dẫn lời bà Susan Solomon, tổng giám đốc điều hành Quỹ tế bào gốc New York, cảnh báo, mọi người không nên đánh giá kỹ thuật dựa trên nỗi sợ hãi về cái chưa biết. Bà nhấn mạnh, kỹ thuật không nhằm tạo ra những đứa trẻ theo khuôn mẫu định trước, mà giúp ngăn chặn một căn bệnh di truyền đáng sợ.