Trả lời câu hỏi của CNN, một quan chức trong chính quyền Trump cho biết vấn đề được đặt ra hiện nay là liệu chương trình tên lửa của Triều Tiên đã tiến triển đến mức trở thành mối đe dọa thường trực hay chưa.
Trong trường hợp này, Lầu Năm Góc sẽ phải xem xét bắn hạ tên lửa ngay cả khi chúng không nhắm tới Mỹ hoặc các đồng minh. Quan chức này từ chối công khai danh tính vì sự nhạy cảm của vấn đề.
Cuộc thảo luận về việc có bắn hạ tên lửa của Triều Tiên hay không nổ ra khi tình báo Mỹ đánh giá Triều Tiên đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm trung KN-17 (Hwasong 12) trong các vụ phóng gần đây.
Một quan chức Mỹ thông thạo các phân tích tình báo mới nhất cho biết Bình Nhưỡng có thể dựa vào loại tên lửa này để thực hiện các cuộc tấn công chiến lược chống lại Mỹ.
Bức ảnh do hãng thông tấn Triều Tiên công bố cho thấy vụ phóng tên lửa từ Triều Tiên bay qua Nhật Bản ngày 29/8. Ảnh: Rodong Simun. |
Vì KN-17 có vẻ đã thành công nên phía Mỹ đánh giá rằng Triều Tiên có thể sẽ chuyển sang thử nghiệm thêm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa KN-20 (hay còn gọi là Hwasong 14) để tìm cách cải thiện hiệu suất của loại tên lửa này.
Trong khi các quan chức Mỹ từ lâu đã nói rằng quân đội duy trì một loạt lựa chọn để đối phó Triều Tiên, việc bắn hạ tên lửa thường chỉ được cân nhắc tiến hành trong trường hợp chúng đe dọa trực tiếp đến Mỹ và các đồng minh.
Tuy nhiên, gần đây, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đe dọa tấn công lãnh thổ hải ngoại Guam của Mỹ. Ngày 4/7, trong dịp Quốc khánh Mỹ, Triều Tiên đã lần đầu tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mà nước này tuyên bố có thể "vươn tới bất cứ nơi nào trên thế giới" và tiến hành cuộc thử nghiệm thứ 2 vào ngày 28/7.
Theo một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng, với 2 tên lửa mới của Triều Tiên bay qua miền bắc Nhật Bản hôm 15/9, nhiều khả năng phải tính đến việc bắn hạ dù không có mối đe dọa trực tiếp.