Theo The Wall Street Journal, điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho các thương hiệu may mặc thường xuyên dùng bông sợi nhập khẩu từ Trung Quốc.
Số liệu của Hải quan Mỹ cho thấy các biện pháp cưỡng chế nhập khẩu đã gia tăng trong năm 2021 kể từ khi chính quyền cựu tổng thống Donald Trump cấm nhập khẩu bông sợi và các sản phẩm có nguyên liệu cà chua từ Tân Cương, nơi chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lao động nô lệ từ người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Các công ty may mặc chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh cấm. Trước đó, vào đầu năm 2021, một lô hàng áo sơ mi của hãng Uniqlo cũng đã bị chặn lại tại hải quan Mỹ.
Để có thể nhập khẩu các kiện hàng, các công ty cần cung cấp đủ thông tin và bằng chứng để xác thực nguồn gốc hàng hoá trong vòng 3 tháng từ khi lô hàng bị giữ lại tại hải quan. Theo các chuyên gia, các lệnh cấm sẽ càng được thắt chặt trong thời gian tới khi Mỹ ngày càng đặt nhân quyền làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc.
Uniqlo bị cáo buộc sử dụng bông dệt có nguồn gốc từ Tân Cương. Ảnh: Bloomberg. |
Đầu tuần này, chính quyền Tổng thống Biden áp lệnh cấm nhập khẩu đối với một số chất liệu sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời từ Tân Cương. Thượng viện Mỹ cũng thông qua một đạo luật mở rộng số hàng hóa cấm nhập khẩu vì có liên quan đến lao động cưỡng bức.
Kể từ tháng 10/2021, Hải quan Mỹ xác định 1.255 kiện hàng nhập khẩu với giá trị khoảng 400 triệu USD có liên quan tới việc sử dụng lao động cưỡng bức, trong đó 623 kiện hàng bị giữ lại và số còn lại cũng không tới được các cảng dỡ hàng. Trong năm 2020, số kiện hàng bị giữ lại chỉ là 324.
Theo các chuyên gia, sự tăng vọt trong số lượng hàng hoá bị giữ lại đến từ lệnh ngăn chặn WRO về lao động cưỡng bức được đưa ra vào tháng 12/2020.
Uniqlo là một trong số các thương hiệu thuộc sở hữu của Fast Retailing, công ty may mặc lớn nhất châu Á. Tháng 1/2020, một lô hàng áo sơ mi của hãng đã bị giữ lại tại cảng Los Angeles vì nghi ngờ vi phạm lệnh cấm lao động cưỡng bức và có nguồn gốc từ Công ty Xây dựng và Sản xuất Tân Cương.
Hãng thời trang Nhật Bản đã tiếp tục cung cấp các bằng chứng để chứng minh các sản phẩm áo sơ mi sử dụng bông sợi có nguồn gốc từ Australia, Brazil và Mỹ. Tuy nhiên, Cục Hải quan Mỹ bác bỏ yêu cầu giải phóng các kiện hàng vì nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương, đồng thời yêu cầu Uniqlo cung cấp thêm các chứng từ như phiếu chấm công hay bảng lương của các công nhân thu hoạch bông sợi.
Các chuyên gia trong ngành may mặc chỉ trích Cục Hải quan Mỹ đang tạo ra sức ép nghĩa vụ chứng minh đối với các doanh nghiệp dù không cung cấp bất cứ hướng dẫn cụ thể nào. Các công ty không thể cung cấp chứng từ xác thực vì không được thông báo mặt hàng cụ thể nào trong các lô hàng đã vi phạm lệnh cấm nhập khẩu.
Theo The Wall Street Journal, bất cập trong khâu quản lý và điều tra của Cục Hải quan Mỹ là do thiếu hụt về nhân lực. Quốc hội Mỹ đã yêu cầu Cục Hải quan Mỹ minh bạch trong tiêu chuẩn để thực hiện lệnh giam giữ với các kiện hàng.