Lần phóng tên lửa tầm ngắn ngày 6/8 đã là lần thứ tư Bình Nhưỡng cho thử nghiệm loại vũ khí này chỉ trong vài tuần qua. Dù ông Kim Jong Un, trong lá thư gửi Tổng thống Donald Trump, nói rằng Triều Tiên thử tên lửa vì Mỹ - Hàn tập trận, các động thái trên mang hàm ý Bình Nhưỡng đang dần có khả năng không kích những nước láng giềng với hỏa lực kinh hoàng.
Thay vì kề vai sát cánh đối phó mối đe dọa chung, Nhật Bản và Hàn Quốc tự đưa nhau vào thế đối đầu kinh tế - chính trị. Gốc rễ rắc rối đến từ hơn 100 năm trước, khi Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên trước và trong Thế chiến II.
Hàng nghìn người Hàn Quốc phản đối Nhật Bản tại thủ đô Seoul ngày 3/8. Ảnh: New York Times. |
Căng thẳng leo thang
Điểm nóng mới nhất giữa Tokyo và Seoul đang là thương mại. Nhật Bản ngày 2/8 tuyên bố tăng cường kiểm soát xuất khẩu sang Hàn Quốc, gạch tên nước này khỏi danh sách được hưởng chính sách ưu đãi gần 900 mặt hàng có công dụng kép dân sự - quốc phòng.
Trước đó, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã siết chặt xuất khẩu 3 nguyên liệu quan trọng đối với ngành sản xuất vật liệu và thiết bị bán dẫn của Hàn Quốc.
Nhiều nhà quan sát cho rằng Tokyo đang sử dụng thương mại như một công cụ chính trị dựa theo hình mẫu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhật Bản lấy lý do quan ngại an ninh quốc gia, ám chỉ Hàn Quốc "quản lý yếu kém" các mặt hàng có ứng dụng quốc phòng, để một số đơn hàng tuồn qua Triều Tiên.
Tổng thống Moon Jae In đáp trả kiên quyết với phát ngôn "sẽ không bao giờ chịu thua Nhật Bản một lần nữa" như để nhắc lại giai đoạn bán đảo Triều Tiên bị chiếm đóng. Hàng nghìn người biểu tình trên đường phố Seoul ngày 3/8, cáo buộc Nhật Bản "xâm lược kinh tế".
Căng thẳng thậm chí đã dẫn đến thiệt hại về nhân mạng vào tháng 7 khi 2 người đàn ông Hàn Quốc tự thiêu để phản đối Nhật Bản. Cả hai đều ngoài 70 tuổi và đã tử vong.
Nhiều nhà phân tích chỉ trích chính phủ 2 nước để cho không khí thù hằn vượt khỏi kiểm soát. "Những gì Hàn Quốc và Nhật Bản hành xử thật quá điên rồ. Họ tốn quá nhiều nguồn lực cho xung đột này trong khi còn nhiều việc cần làm", David Kang, giám đốc Viện Nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học Nam California, đánh giá.
Các thế hệ lãnh đạo Hàn Quốc nhiều thập kỷ qua để cho tâm lý thù hằn đối với Nhật Bản trỗi dậy mạnh mẽ. Trong khi đó, đảng Tự do Dân chủ của Thủ tướng Shinzo Abe cũng có những chính sách cổ xúy chủ nghĩa dân tộc gây tranh cãi. Bầu không khí chính trị hiện nay càng dễ khuếch đại tâm lý dân tộc chủ nghĩa hơn.
Phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản lan rộng từ hàng tiêu dùng đến các mặt hàng như ôtô và phim truyện. Ảnh: Getty. |
"Bạn đang sống trong kỷ nguyên những nhà lãnh đạo quốc tế tập trung nhiều hơn cho chính bản thân mình, các cương lĩnh chính trị của riêng mình, thay vì hy sinh cá nhân và đứng ra nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo quốc tế", Susan Thornton, cựu quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, nhận định.
"Điều này đặc biệt rõ tại Mỹ. Đáng tiếc rằng hiện tượng này có vẻ rất dễ lây nhiễm", bà chia sẻ.
Mỹ bất lực với vai trò hòa giải
Washington từ lâu trông cậy vào hai đồng minh thân thiết ở Đông Bắc Á hỗ trợ đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc và hiểm họa vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên. Thế nhưng, chính phủ của Tổng thống Donald Trump đến nay vẫn chưa thể thúc đẩy hàn gắn quan hệ Nhật - Hàn.
Tổng thống Trump nói ông có thể hành động nếu cả Seoul và Tokyo cùng đề nghị giúp đỡ, nhưng than thở rằng việc phân xử bất đồng Nhật - Hàn "sẽ như một công việc toàn thời gian". Giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chia sẻ họ muốn Tokyo và Seoul tự dàn xếp.
Trước tình hình căng thẳng không có dấu hiệu giảm nhiệt, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 2/8 cũng tìm cách tổ chức một cuộc gặp hàn gắn giữa hai đồng minh, bên lề hội nghị an ninh Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Bangkok, Thái Lan.
Hình ảnh tượng trưng rõ nhất cho sự bất lực của Mỹ trước căng thẳng Nhật - Hàn là khi ông Pompeo cố dang rộng vòng tay, kéo ngoại trưởng hai nước đồng minh đứng sát lại với nhau. Trong những ảnh chụp cuối cùng, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Kang Kyung Wha phía Hàn Quốc vẫn đứng xa nhau, mặt lạnh tanh, không thèm nhìn người còn lại.
Hình ảnh không những là chỉ dấu cho thấy quan hệ Nhật - Hàn đang xấu đi rõ rệt, mà còn là lời cảnh báo về vai trò lãnh đạo Mỹ ở khu vực đang lung lay, đặc biệt trong khía cạnh hòa giải xung đột giữa các đồng minh và đối tác.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cố kéo người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung Wha và Nhật Bản Taro Kono đứng gần nhau trong buổi chụp trước cuộc gặp ở Thái Lan. Ảnh: Getty. |
Các chính phủ tiền nhiệm khi thấy Nhật - Hàn leo thang căng thẳng thường bí mật gửi đi tín hiệu cảnh báo rạn nứt giữa hai đồng minh sẽ làm phương hại lợi ích chung và Mỹ.
"Tôi nghĩ ông Pompeo đã cố gửi đi thông điệp đó, nhưng mọi thứ đã muộn", Michael J. Green, cựu giám đốc cấp cao các vấn đề châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia (NCS) thời tổng thống George W. Bush, nhận định.
"Ông Trump đã khiến tình hình tồi tệ hơn. Cá nhân ông ấy không có hành động nào xây dựng bầu không khí đồng đội giữa các nước đồng minh ở châu Á", chuyên gia tại Đại học Georgetown nhận định.
Giới chuyên gia dự báo Tokyo và Seoul sẽ tốn nhiều thời gian để tìm kiếm một giải pháp không làm mất mặt cả hai phía. Trong khi đó, Tokyo và Seoul có thể không đủ tin tưởng Washington làm trung gian. Điều này là hệ quả khi Tổng thống Trump liên tục gọi các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là vô hại, mặc dù hai đồng minh ở Đông Bắc Á đều nằm trong tầm bắn.
Ngoại trưởng Pompeo đáng lẽ có hai cuộc gặp riêng với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản tại ARF cuối tuần qua. Cả hai cuộc gặp đều bị hủy với lý do vấn đề về lịch trình.
Tuy nhiên, theo Michael J. Green, các ngoại trưởng của Nhật Bản và Hàn Quốc cảm thấy khó chịu khi ông Pompeo tạo sức ép đòi các bên hòa giải. Họ chọn cách phản ứng chưa từng có tiền lệ là chủ động hủy cuộc gặp với ngoại trưởng Mỹ.
"Sẽ không tốt cho cả hai nước nếu chúng tôi mãi nhờ anh lớn hay chị lớn can thiệp và cải thiện quan hệ song phương. Người Mỹ hẳn sẽ rất giận dữ nếu chúng tôi chen ngang và yêu cầu họ tử tế hơn với Mexico", Ichiro Fujisaki, cựu đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, chia sẻ.
Khó sớm tìm ra giải pháp
Căng thẳng Nhật - Hàn tiếp tục lan rộng sang đến cả phương diện quốc phòng.
Sau sự cố tiêm kích Hàn Quốc nổ súng cảnh cáo máy bay quân sự Nga xâm phạm không phận cuối tháng 7, phía Tokyo bất ngờ lên tiếng khẳng định Nhật Bản mới là bên nên nổ súng. Vụ việc xảy ra gần quần đảo Dokdo do Hàn Quốc quản lý. Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo và gọi đó là Takeshima.
Hướng xung đột này có thể khiến những nhà hoạch định quốc phòng Mỹ đau đầu, theo Daniel Sneider, chuyên gia Đông Á tại Đại học Stanford.
"Phía Mỹ không muốn rơi vào tình thế tàu hoặc máy bay đang hoạt động ở vùng biển và vùng trời nằm giữa hai nước lại phải lo sợ tàu chiến Hàn Quốc nổ súng nhắm vào tàu quân sự Nhật Bản", ông nhận định.
Rạn nứt giữa hai đồng minh ở Đông Bắc Á ảnh hưởng đến các hoạch định của Mỹ nhằm đối phó Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Giới chức Hàn Quốc còn đang cân nhắc rút khỏi thỏa thuận chia sẻ tình báo song phương, được ký vào năm 2016. Chuyên gia Bonnie Glaser của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) cảnh báo việc thỏa thuận đổ vỡ sẽ giáng đòn đau vào những nỗ lực của Washington nhằm củng cố hợp tác song phương và răn đe Triều Tiên.
Giới chuyên gia hy vọng Tokyo và Seoul có thể tìm ra giải pháp trước khi cùng đưa nhau đến bờ vực. Nhiều ý kiến lo ngại cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á sẽ làm phương hại đến mạng lưới toàn cầu.
"Xung đột thương mại này ở ngoài mặt có vẻ là ăn miếng trả miếng song phương. Khi xét đến sự kết nối toàn cầu và độ sâu rộng của chuỗi cung ứng, tác động của nó có thể lan ra toàn khu vực và phần còn lại của thế giới", Wendy Cutler, cựu chuyên viên đàm phán của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), cảnh báo.
Một quan chức cấp cao của chính phủ Trump đã điện đàm với cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc vào tuần qua, đề nghị hai bên dừng thái độ thù địch. Giới chức Hàn Quốc hứa hẹn sẽ xem xét đề xuất của Mỹ, trong khi Nhật Bản phủ nhận sự tồn tại của cuộc điện đàm.