Independent dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho biết cuộc thử nghiệm diễn ra tại miền Nam Australia hôm 12/7. Tên lửa được thử nghiệm là một phần trong Chương trình Nghiên cứu Thử nghiệm phương tiện bay siêu thanh quốc tế (HiFIRE).
HiFIRE do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Phòng Nghiên cứu Thí nghiệm Không quân Mỹ, hợp tác với Tổ chức Khoa học và Công nghệ Quốc phòng Australia phát triển.
Dự án nhằm nghiên cứu, phát triển loại tên lửa phóng từ mặt đất có thể bay với tốc độ siêu thanh từ 1.715 m/giây tới 3.442 m/giây, tức hơn 5 lần tốc độ âm thanh (340 m/giây).
Theo Independent, tên lửa trong dự án HiFIRE được phóng lên không trung nhờ động cơ tăng cường nhiên liệu rắn. Khi tới độ cao nhất định và tên lửa đã đạt đến tốc độ siêu âm, động cơ tăng cường sẽ bị loại bỏ và kích hoạt động cơ scramjet để đẩy tên lửa bay với tốc độ gấp 5-6 lần vận tốc âm thanh.
Tên lửa thuộc dự án HiFIRE rời bệ phóng trong một thử nghiệm. Ảnh: USAF/NASA. |
Scramjet, còn gọi là động cơ phản lực dòng thẳng, đây là loại động cơ độc đáo không sử dụng máy nén mà nhờ vào tốc độ di chuyển về phía trước của động cơ để nén khí. Do đó, động cơ này chỉ hoạt động ở tốc độ siêu âm, khi lực nén của không khí đủ lớn.
Ngoài tốc độ siêu thanh, tên lửa trong dự án HiFIRE còn có khả năng cơ động đổi hướng trong quá trình bay, điều này khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn hơn.
"Với công nghệ này, Mỹ và các đồng minh có thể phản ứng hiệu quả hơn trước các đe dọa trong tương lai", AU News dẫn lời thông báo của Không quân Mỹ.
Việc thử nghiệm phương tiện bay siêu thanh mới được diễn ra khoảng một tháng, sau khi Trung Quốc thông báo phát triển thành công động cơ siêu thanh có tốc độ nhanh gấp 5 âm thanh. Global Times khẳng định động cơ này sẽ giúp tên lửa và phi cơ Trung Quốc "không thể bị ngăn chặn".
"Tôi lo ngại về các tiến bộ của Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh. Chúng ta cần phát triển vũ khí siêu thanh và nâng cao năng lực phòng thủ", Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, cho biết.