Tổng thống Obama trò chuyện với các thành viên thuộc Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tại Đại học Taylor ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 20/11/2015. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ |
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chủ trì cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo 10 nước ASEAN tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands, miền Nam California trong hai ngày 15 và 16/2 nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa Mỹ và khu vực năng động này.
Ông Obama đề xuất ý tưởng về cuộc họp với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Kuala Lumpur, tháng 10/2015. Khi đó, Mỹ và ASEAN thông báo về việc nâng cấp quan hệ Mỹ - ASEAN lên đối tác chiến lược. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ xem xét bổ sung Kế hoạch Hành động ASEAN và Mỹ năm 2016 - 2020, vốn được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ở Kuala Lumpur.
Đông Nam Á là trọng tâm trong chính sách tái cân bằng châu Á, được công bố ngay sau khi ông Obama nhậm chức năm 2009.
Theo Murray Hiebert, học giả cấp cao và phó giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS), cuộc họp diễn ra tại khu nghỉ dưỡng ở Sunnylands sẽ tạo bầu không khí thoải mái hơn so với hội nghị thượng đỉnh chính thức tại Washington.
Khu nghỉ dưỡng Sunnylands cũng là nơi ông Obama từng tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2013. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó tới Mỹ trong chuyến thăm không chính thức.
Cuộc gặp lịch sử giữa ông Obama và lãnh đạo ASEAN lần này có thể khiến Trung Quốc chú ý trong bối cảnh Bắc Kinh đang tranh giành sự ảnh hưởng với Washington trong khu vực Đông Nam Á.
Theo các quan chức Mỹ, ông Obama đang tìm cách thúc đẩy kinh tế, chính trị, an ninh và quan hệ "đối ngoại nhân dân" trong khu vực khi ông gặp các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 2.
Trao đổi kinh tế
Về kinh tế, Đông Nam Á có vai trò quan trọng đối với các công ty Mỹ. Thương mại hai chiều trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ đạt 254 tỷ USD năm 2014, đưa khu vực thành đối tác lớn thứ 4 của Mỹ. Ở chiều ngược lại, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào Đông Nam Á là 226 tỷ USD trong năm 2014 khiến nước này trở thành nhóm nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực.
Các quốc gia Đông Nam Á ra mắt Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào ngày 1/1, với mục tiêu là hướng tới một thị trường kinh tế chung và nền tảng cho hoạt động sản xuất trong những năm tới. 4 trong số các quốc gia ASEAN gồm Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam cùng Mỹ là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Philippines, Indonesia và Thái Lan cũng ngỏ ý muốn tham gia hiệp định này trong tương lai.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp của lãnh đạo 12 nước thành viên TPP năm 2014. Ảnh: Reuters |
Theo một đại sứ của ASEAN, Washington có thể trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Đông Nam Á bằng cách kết hợp giữa tầm nhìn dài hạn của chính phủ Mỹ và năng lực cùng các mục tiêu ngắn hạn của các doanh nghiệp tư nhân nước này.
"Khi chính phủ các nước khu vực xem AEC là bước ngoặt đối với ASEAN, Mỹ nên theo đuổi các dự án xây dựng năng lực cho các nước kém phát triển như Campuchia, Lào và Myanmar để giúp họ hoàn thành các cam kết của mình ở AEC. Các lĩnh vực có thể gồm tạo thuận lợi cho thuế quan và thương mại, cân đối các tiêu chuẩn, kinh tế kỹ thuật số và tăng cường năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa", học giả Hiebert viết.
Cuối năm 2014, Mỹ đề xuất lập ra một bộ quy tắc đầu tư không mang tính ràng buộc với ASEAN, nhưng ý tưởng nhanh chóng rơi vào quên lãng do Indonesia phản đối. Tuy nhiên, Mỹ có thể tiếp tục nêu đề xuất này trong cuộc họp tại Sunnylands vì Washington cho rằng bộ quy tắc có thể định hình nguyên tắc cơ bản trong mục đầu tư của Hiệp định TPP.
Trong trường hợp một số nước chưa muốn đàm phán về bộ quy tắc phi ràng buộc này, Washington có thể thảo luận trước với các nước đã sẵn sàng và mở cửa đón những nước còn lại khi họ muốn tham gia.
Thúc đẩy an ninh hàng hải
Bài viết của học giả Hiebert chỉ ra rằng, an ninh hàng hải cũng sẽ là vấn đề trọng tâm tại hội nghị ở Sunnylands.
Học giả Hiebert nêu 6 điểm trong vấn đề an ninh hàng hải mà Mỹ có thể đề cập tại cuộc họp với ASEAN.
Đầu tiên, các động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông cùng nghi ngại về việc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhân tạo rất có thể được nhắc tới tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Trong khi đó, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (Hà Lan) dự kiến ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về Biển Đông vào giữa năm 2016.
Thứ hai, nhân hội nghị thượng đỉnh ở Sunnylands, ông Obama sẽ thảo luận về sự thống nhất trong ASEAN sau khi tòa ra phán quyết. Ông chủ Nhà Trắng cũng cần nêu lên tầm quan trọng của Mỹ trong vấn đề Biển Đông và cho thấy Washington ủng hộ vai trò của ASEAN và cơ chế do hiệp hội điều hành. Chúng bao gồm các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Thứ 3, ông Obama muốn làm rõ về chương trình Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á trị giá 250 triệu USD mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter lần đầu tiên thông báo tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, tháng 5/2015. Mục đích của sáng kiến này là nâng cao năng lực của lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển của các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Thứ 4, lãnh đạo Mỹ muốn làm sáng tỏ vai trò của Sáng kiến Biển Đông được nêu trong Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2015, trong đó cho phép Washington hỗ trợ Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan tăng cường an ninh hàng hải trên Biển Đông và Nhận thức các vấn đề trên biển (MDA). Tổng thống Mỹ cũng có thể ủng hộ việc chia sẻ thông tin tình báo trong khối Đông Nam Á để đẩy mạnh MDA và phối hợp an ninh hàng khải trong khu vực.
Malaysia từng kêu gọi hải quân các nước áp dụng quy tắc về Bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES) mà Mỹ đã ký với 24 thành viên châu Á – Thái Bình Dương tại thành phố Thanh Đảo, Trung Quốc năm 2014. Washington có thể nhắc lại điều này trong cuộc gặp tại Sunnylands.
Cuối cùng, qua cuộc gặp lịch sử, ông Obama có thể khuyến khích thêm nhiều nước Đông Nam Á tham gia chương trình trao đổi thủy thủ của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản nhằm thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau và tạo sự tự tin của hải quân khu vực.