Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ, Anh lao đao vì lạm phát tăng nóng

Giá cả leo thang tại nhiều nước trên thế giới vì xung đột Nga - Ukraine. Giới quan sát cảnh báo đà tăng sẽ không đảo chiều trong thời gian tới.

CNBC đưa tin theo dữ liệu chính thức, lạm phát tháng 3 của Anh đạt 7%, mức cao nhất trong vòng 30 năm. Giá thực phẩm và năng lượng tăng cao tiếp tục đè nặng lên ví tiền của người tiêu dùng.

Giá tiêu dùng tại Anh tăng 1,1% so với tháng trước, vượt xa dự báo 0,7% của các nhà kinh tế được Reuters khảo sát.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất trong 3 cuộc họp chính sách tiền tệ liên tiếp từ mức thấp kỷ lục 0,1% lên 0,75%. Cơ quan này đang tìm cách đối phó với lạm phát mà không cản trở tăng trưởng kinh tế.

Lam phat toan cau anh 1

Xung đột Nga - Ukraine là một trong những nguyên nhân chính khiến lạm phát của Anh đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm. Ảnh: Reuters.

Lạm phát tăng cao

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang đối mặt với rủi ro đình lạm, tức tăng trưởng kinh tế đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng lạm phát leo thang. Xung đột giữa Nga và Ukraine càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng.

Ông Boris Glass - nhà kinh tế cấp cao và giám đốc tại S&P Global Ratings - dự báo tỷ lệ lạm phát của Anh có khả năng tăng và duy trì ở mức cao kỷ lục trong suốt năm 2022.

"Lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng nặng nề tới ngân sách hộ gia đình, nhất là những người có thu nhập thấp. Họ đã cạn tiền tiết kiệm do đại dịch", ông Glass nhận định.

"Khoảng thời gian trước mắt sẽ khá khó khăn. Lạm phát có thể giảm vào mùa đông năm sau, nếu giá năng lượng toàn cầu không tiếp tục tăng cao", vị chuyên gia dự báo.

Khoảng thời gian trước mắt sẽ khá khó khăn. Lạm phát có thể giảm vào mùa đông năm sau, nếu giá năng lượng toàn cầu không tiếp tục tăng cao

Ông Boris Glass, nhà kinh tế cấp cao và giám đốc tại S&P Global Ratings

Nhưng ông cho rằng ngay cả khi lao dốc, lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương trong năm tới.

Theo ông Ambrose Crofton - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã tạo ra cú sốc nguồn cung toàn cầu. Đáng nói, xung đột vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo Reuters, phát biểu trước công chúng hôm 12/4, Tổng thống Putin tuyên bố chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ kéo dài vì Kyiv đã phá hỏng các cuộc đàm phán hòa bình.

Ông tố cáo Ukraine hủy hoại kết quả đàm phán bằng cách dàn dựng những tuyên bố giả về tội ác chiến tranh của Nga. "Đàm phán hòa bình lại rơi vào bế tắc", Tổng thống Nga nhấn mạnh.

"Điều đó có nghĩa là lạm phát có thể tăng cao hơn nữa và mất nhiều thời gian để trở lại mức bình thường", chuyên gia Crofton nhận định.

Giá năng lượng và thực phẩm tăng cao

Còn tại Mỹ, theo dữ liệu chính thức được Bộ Lao động công bố hôm 12/4, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1981.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% so với một năm trước đó (trên cơ sở chưa điều chỉnh), cao hơn ước tính 8,4% của Dow Jones. Đây là mức tăng giá chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạm phát đình trệ diễn ra vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980.

Lạm phát cơ bản, tức không tính tới giá lương thực và năng lượng, tăng 6,5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 8/1982.

Giá thực phẩm tăng 1% trong tháng và 8,8% so với năm ngoái. Còn giá năng lượng tăng lần lượt 11% và 32%.

Lạm phát gia tăng khiến thu nhập không thể theo kịp chi phí sinh hoạt. Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, mức thu nhập thực tế theo giờ trung bình của người Mỹ đã giảm 0,8% trong tháng qua.

"Ngoài những tác động rõ ràng mà chiến tranh gây ra cho giá năng lượng toàn cầu, Nga còn là nước xuất khẩu nhiều hàng hóa quan trọng như kim loại công nghiệp và phân bón", ông Crofton nhận định.

"Do đó, giá hàng hóa và thực phẩm có thể tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, tạo sức ép lớn cho người tiêu dùng", ông cảnh báo.

Lam phat toan cau anh 2

Chi phí mà người Mỹ phải trả cho các mặt hàng tiêu dùng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 41 năm qua. Ảnh: Reuters.

Theo chuyên gia tài chính Craig Erlam, cuộc xung đột sẽ tác động mạnh mẽ lên giá của một loạt hàng hóa từ dầu khí, palladium đến lúa mì. Điều này có thể ảnh hưởng tới chi phí sinh hoạt. "Câu hỏi đặt ra là đà tăng giá kéo dài đến mức nào, giá sẽ duy trì ở ngưỡng cao trong vòng bao lâu, và giá cả leo thang có kéo theo suy thoái kinh tế hay không", ông Erlam lập luận.

Các nước châu Âu, vốn phụ thuộc vào năng lượng của Nga, đang đối mặt với cuộc suy thoái thứ 3 trong vòng 2 năm. Tại khu vực đồng EUR, lạm phát đã tăng lên 7,5% vào tháng 3, tăng từ mức 5,9% của tháng trước. Giá năng lượng cao hơn là động lực chính.

Theo các chuyên gia, ngay từ trước khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, châu Âu đã mất đà phục hồi kinh tế. Đà tăng giá phi mã của hàng hóa mềm (cà phê, ca cao, đường, ngô, lúa mì, đậu tương), kim loại và năng lượng sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của khối này.

Theo Capital Economics, cuộc chiến ở Ukraine có thể làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng EUR tới 2 điểm phần trăm. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn đưa ra kế hoạch dừng chương trình mua trái phiếu nhằm mở đường cho việc nâng lãi suất.

Thế khó của ngân hàng trung ương Trung Quốc

Bức tranh kinh tế xấu đi buộc chính quyền Trung Quốc phải tăng cường hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhưng lạm phát gia tăng có thể thu hẹp dư địa hỗ trợ của nước này.

Vì sao châu Âu lưỡng lự trong việc cấm dầu khí Nga?

Giới chức châu Âu khó nhất trí về lệnh cấm dầu Nga vì lo ngại "đòn giáng ngược" vào nền kinh tế. Trong khi đó, việc cấm khí đốt thậm chí còn tác động mạnh hơn tới khối này.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm