Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

MV tiền tỷ có còn giá trị khi Khá Bảnh, giang hồ lũng đoạn YouTube?

Nhiều chuyên gia đồng tình rằng YouTube "thượng vàng hạ cám", đôi khi những sản phẩm của giang hồ mạng lại "hot" hơn những MV đầu tư tiền tỷ của ca sĩ nổi tiếng.

Trước khi bị khai tử, kênh YouTube của Khá Bảnh có gần 2 triệu lượt người đăng ký với tổng hàng trăm triệu lượt xem. Khá Bảnh được cho là thu về số tiền không nhỏ, lên tới 450 triệu đồng/tháng nhờ những clip nói tục, chửi thề, vô bổ, khác người kiểu "giang hồ mạng".

Thực tế, Khá Bảnh không phải là trường hợp duy nhất, nhiều giang hồ mạng khác như Phú Lê, Dương Minh Tuyền, Phạm Tuấn... đang "lũng đoạn" YouTube Việt Nam với những clip có lượt xem cao, tương tác lớn, thường xuyên lọt top trending.

MV co con gia tri anh 1
Khá Bảnh với những clip "chẳng giống ai" nhưng thu hút lượt xem và lượng "fan" khủng.

Tất nhiên, YouTube không chỉ có "giang hồ mạng", đó còn là kênh chia sẻ video được giới ca sĩ ưa chuộng. Gần như 100% ca sĩ Việt hiện nay đăng tải MV trên YouTube. Nhưng đáng nói là nhiều sản phẩm được đầu tư tiền tỷ của ca sĩ lại có lượt xem thấp hơn nhiều các clip như "điệu nhảy múa quạt" hay đốt xe Khá Bảnh.

"Đó là một thực tế đáng báo động"

Trao đổi với Zing.vn, đạo diễn Vũ Lâm - người thực hiện nhiều MV như Phố không mùa (Bùi Anh Tuấn), Giữ lại hạnh phúc (Thu Phương), Về với đông (Hồng Nhung) - cho biết đó là một thực tế. YouTube "thượng vàng hạ cám", đôi khi sản phẩm hay lại bị quên lãng, clip nhảm lại lên ngôi. Nhưng một khi đã chọn đăng tải MV trên YouTube, buộc phải chấp nhận.

"Đáng suy ngẫm nhưng trước hết giới nghệ thuật phải tự đặt câu hỏi cho mình. Các đơn vị sản xuất, các ca sĩ cũng cần xem lại chính mình. Mình đã làm tốt chưa, đã đủ hấp dẫn khán giả chưa. Tôi cho là những người làm nghề, tất nhiên có cả tôi, đang hơi kém, chưa đủ sáng tạo để hấp dẫn người xem", nam đạo diễn bày tỏ.

MV co con gia tri anh 2
MV bùng nổ trong vài năm trở lại đây, nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng được YouTube trả tiền cho MV.

Theo Vũ Lâm, khán giả có lỗi, nhưng chỉ là một phần. Bởi lẽ tâm lý tò mò luôn luôn tồn tại. Và những clip vô bổ sẽ vẫn xuất hiện, thậm chí gây bão như một thực tế, dù "tuổi thọ" ngắn.

"Khá Bảnh cũng như Lệ Rơi hay nhiều hiện tượng mạng khác, không bao giờ lâu bền được. Lệ Rơi hiện giờ đang ở đâu, và Khá Bảnh sẽ ở đâu. Nhưng sau Lệ Rơi, sau Khá Bảnh sẽ còn những người khác. YouTube là thế, có đủ mọi thứ, hay dở, và cũng rất khó để quản lý. Do vậy, nếu muốn ngăn chặn, như tôi nói, trước hết chúng ta phải làm tốt công việc của mình", đạo diễn MV Giữ lại hạnh phúc nhấn mạnh.

Đồng tình với Vũ Lâm, nhiều chuyên gia nhận định nếu đã chơi cuộc chơi trên mạng xã hội, đồng nghĩa, nghệ sĩ phải sống chung với lũ. Nhưng, cảm giác chạnh lòng không phải không có.

Một ca sĩ chia sẻ với phóng viên: "Cũng buồn chứ, tại sao sản phẩm của mình đầu tư như vậy lại ít người xem, không thu được tiền, trong khi mấy clip vô bổ, thậm chí có hại như Khá Bảnh lại thu được 450 triệu/ tháng".

"Không phải ca sĩ nào cũng kiếm được tiền như Sơn Tùng"

Trước câu hỏi "Ở Việt Nam liệu có bao nhiêu ca sĩ nhận được 450 triệu đồng/tháng như Khá Bảnh nhờ YouTube", đạo diễn Vũ Lâm thẳng thắn: "Không nhiều, thậm chí rất ít. Ở thị trường Việt Nam, không phải ai cũng được như Sơn Tùng M-TP".

"Nhiều ca sĩ không được YouTube trả tiền do không đủ views, không có nhiều người xem, chứ không phải cứ đăng lên đó là có tiền. Ngược lại, cũng có nghệ sĩ không bật chế độ quảng cáo để tính tiền từ lượt xem", đạo diễn MV Phố không mùa của Bùi Anh Tuấn nói.

Vũ Lâm khẳng định anh cũng là một trong những đạo diễn không bật chế độ quảng cáo khi đăng tải MV. Anh cho rằng bật chế độ quảng cáo ít nhiều cũng gây phiền phức cho người xem, do vậy anh không lựa chọn.

"Tất nhiên, tôi chỉ có quyền quyết định với những MV do tôi và công ty của mình sở hữu. Có những nghệ sĩ như chị Hồng Nhung, tôi chỉ làm theo đơn đặt hàng, còn chị Nhung đăng trên kênh riêng của chị. Việc có bật chế độ quảng cáo hay không là quyền của chị", nam đạo diễn chia sẻ.

MV co con gia tri anh 3
Sơn Tùng M-TP có nhiều MV gây bão, và được cho là kiếm được tiền từ MV.

Một vài nghệ sĩ cũng nhận được "tiền tươi thóc thật" từ MV trên YouTube. Chẳng hạn với 22 triệu views của MV Chạy ngay đi, Sơn Tùng MTP có thể nhận được 6.600 USD từ YouTube trong ngày đầu ra mắt. YouTube trả cho chủ nhân MV tùy vào lượng lượt xem, được cho là khoảng 0,3 USD cho mỗi 1.000 lần hiển thị.

Theo quan sát của phóng viên, ngoài Sơn Tùng M-TP, showbiz cũng còn một số gương mặt được YouTube trả tiền cho các MV vì lượt xem "khủng" như Chi Pu, Noo Phước Thịnh... Thông thường đó là những "ngôi sao giải trí".

Nhưng con số này không nhiều, đa phần còn lại là MV phát hành miễn phí, có thể được tài trợ, nhưng khó thu được tiền từ YouTube vì lượt xem vừa phải.

Dương Hoàng Yến từng chia sẻ MV của cô cũng đầu tư đến nửa tỷ, nhưng khó thu lại tiền bằng lượt xem. Trong khi Quang Hà nhận định nhiều ca sĩ cũng biết không dễ dàng để có tiền từ YouTube. Do vậy, một trong những mục đích mà các ca sĩ chạy đua làm MV là phát triển hình ảnh, duy trì hình ảnh, làm cơ sở để chạy show, kiếm tiền.

YouTube "thượng vàng hạ cám", tại sao ca sĩ không từ bỏ?

Giang hồ mạng lũng đoạn YouTube, đầu tư tiền tỷ làm MV chưa chắc đã thu lại được tiền. Câu hỏi được đặt ra là: "Tại sao nhiều ca sĩ vẫn chọn YouTube là kênh duy nhất để đăng tải MV?".

Lý giải về điều này, đạo diễn Vũ Lâm cho biết cái khó của giới ca sĩ là khán giả hiện nay lại tập trung ở thị trường YouTube. Đôi khi, nghệ sĩ không muốn, nhưng để sản phẩm của mình được tiếp cận với nhiều người nên vẫn phải chọn YouTube.

"Người ta bảo 'buôn có bạn, bán có phường', có cung thì phải có cầu. Trước đây còn có các kênh khác được ưa chuộng như MTV, truyền hình... nhưng giờ thị trường đã khác. Tất nhiên ngoài YouTube còn nhiều kênh khác, nhưng thường ca sĩ chọn đăng song song vì khó tẩy chay YouTube. Thậm chí Facebook cũng chẳng ai đăng chỉ để chia sẻ lại từ YouTube vì YouTube tìm kiếm dễ hơn", nam đạo diễn nói.

MV co con gia tri anh 4
Các nghệ sĩ hiện tại thường đăng tải MV trên YouTube dù môi trường này được nhiều người nhận định là "thượng vàng hạ cám".

Đạo diễn MV Giữ lại hạnh phúc chia sẻ anh cũng rất muốn có một kênh riêng ở Việt Nam để các ca sĩ đăng tải MV. Đó là nơi các video nhảm không thể đăng tải và lũng đoạn được. Nhưng điều đó cũng khó thực hiện tại Việt Nam.

Tuy nhiên, anh cho biết hiện cũng có một kênh khác được giới trong nghề đạo diễn chọn để đăng tải vì chất lượng hình ở đó tốt hơn. Nhưng vì đạo diễn thường làm theo đơn đặt hành của ca sĩ nên cuối cùng ca sĩ mới là người quyết định môi trường đăng tải. Và YouTube vẫn được nhiều ca sĩ Việt chọn.

Hỏi Vũ Lâm "Anh có thấy bi quan khi YouTube giờ tràn ngập giang hồ mạng, trong khi những MV chất lượng có thể nhanh chóng trôi tuột vào quên lãng?", nam đạo diễn cho biết anh có nghĩ đến nhưng không bi quan vì tin rằng "cuối cùng sản phẩm tốt vẫn thắng thế".

"Ăn nhiều món dở, người ta sẽ thấy giá trị của món ngon. Suy cho cùng, nó cũng là sự đa dạng của thị trường. Tôi chỉ mong các nghệ sĩ thức tỉnh, đừng để tình trạng bị lấn át kéo dài. Để làm được điều đó, có lẽ tất cả cùng phải làm những sản phẩm tốt, thay vì cũng nhảm nhí như vậy. Nhiều cái tốt, sẽ thắng cái xấu", anh nói thêm.

Bên cạnh đó, Vũ Lâm cũng mong muốn các trang chia sẻ nhạc có tính phí sẽ phát triển. Bởi lẽ khi người nghe phải bỏ tiền ra để thưởng thức sản phẩm âm nhạc, họ cũng trân trọng hơn, và do vậy, giá trị âm nhạc cũng được đề cao hơn.


Quang Đức

Bạn có thể quan tâm